Friday, December 19, 2014

Japan

Người Mỹ đã thay đổi nước Nhật ra sao?


Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vô điều kiện trước sức tấn công của quân đội Đồng Minh. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Nhật Bản ký hiệp ước đầu hàng với các nhà lãnh đạo quân đội Đồng Minh trên chiến hạm USS Missouri của Mỹ. Năm ngày sau khi Nhật ký hiệp ước đầu hàng, ngày 7 tháng 9 năm 1945, thống tướng Mỹ Douglas McArthur, người chỉ huy các lực lượng Đồng Minh tại Thái Bình Dương, thiết lập văn phòng làm việc tại Tokyo, mở đầu cho gian đoạn Mỹ  chiếm đóng nước Nhật kéo dài trong sáu năm, tám tháng. Trong giai đoạn này, ông McArthur đã đề ra nhiều biện pháp thay đổi nước Nhật về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để biến nước Nhật từ một quốc gia hiếu chiến thành một nước đi theo con đường hòa bình, lo phát triển kinh tế.


Tình cảnh nước Nhật sau khi bại trận
Thành phố Hiroshima bị tàn phá bởi bom nguyên tử

Sau khi bị bại trận và phải đầu hàng vô điều kiện vào năm 1945, nước Nhật có nhiều thành phố bị tàn phá vì chiến tranh. Ngoài hai thành phố là Hisosima và Nagasaki bị san phẳng vì bom nguyên tử với hàng triệu người chết và bị thương, nhiều thành phố khác cũng bị tàn phá vì phi cơ Mỹ ném bom vào các khu trung tâm công nghiệp để triệt hạ sức sản xuất cho chiến tranh của Nhật. Khi người lính Mỹ đặt chân lên nước Nhật họ đã sững sờ vì mức độ nước Nhật bị tàn phá trên sự tưởng tượng của họ. Tại nhiều nơi, chỉ còn lại sườn sắt thép siêu vẹo, cột, đà gỗ bị cháy. Hệ thống cấp nước đến các nhà bị phá hủy nên ở một số nơi, người dân phải lấy nước ở vòi nước công cộng để sinh sống. Ở một số khu vực, nhà cửa bị hư hại không còn cầu tiêu nên người dân phải đào lỗ cạnh nhà để tiêu tiểu.

Trung tâm thương mại tại khu phố Meguro bị bom tàn phá nên năm 1948, các cửa hàng được dựng lên bằng tre lá . Đến thập niên 1970 khu này được xây dựng lại với các building kiên cố

Hàng triệu người lính giải ngũ cũng một lúc không có công ăn việc làm. Nhiều người dân thất nghiệp vì các nhà máy bị tàn phá. Ngoài đường phố nhiều cựu chiến binh và thương binh phải xin ăn.

Nạn thiếu thực phẩm đã xảy ra. Có trường hợp tại vùng quê có người nhảy lên tàu hỏa để đi lên thành phố xem có thể kiếm gì ăn được. Nhiều người phải tìm rau dại, đào củ ăn thay cơm. Mỹ đã phải cấp tốc chở gạo cứu đói đến cho Nhật. Nhiều trẻ em lớn lên vào thời kỳ này vì thiếu ăn nên đã bị còi cọc, không lớn được.

Nạn lạm phát lên cao. Nạn chợ đen cũng lan tràn. Hàng hóa rất khan hiếm vì nhà máy bị phá hủy hết. Người dân Nhật lúc đó rất nghèo, chỉ có ít tiền nhưng cũng chẳng có gì để mà mua.
 Thủ đô Tokyo điêu tàn vì bom đạn

Lính Mỹ đi tuần trên một chiếc cầu tại Tokyo với cảnh tàn phá xung quanh

Vì Nhật bị thua phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện nên phải chấp nhận các biện pháp mà tướng McArthur đưa ra nhưng cũng có những người Nhật chấp nhận hợp tác với người Mỹ trong các cải cách về nước Nhật vì họ cũng đồng ý là các thay đổi này có lợi cho nước Nhật. Người Nhật đã gọi ông là vị Shogun Mỹ. Shogun nghĩa là Sứ Quân, là người đứng đầu một lãnh địa, vào thời Nhật còn bị nạn sứ quân chia cắt.

Việc làm đầu tiên của ông là ra lệnh chở lương thực và các vật dụng cần thiết cho đời sống đến Nhật để cứu đói và tránh các bất ổn xã hội do nạn đói và thiếu thốn gây ra.  Ông ra lệnh thực hiện chương trình cho học sinh ăn trưa tại các trường học Nhật.

Quân đội Mỹ tiến vào nước Nhật, giải thoát các tù binh Mỹ và thi hành các điều kiện đã ký kết trong văn bản đầu hàng. Toàn bộ quân đội Nhật bị giải tán. Các binh sĩ được cho về quê sống. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Nhật, nước này bị quân đội ngoại bang chiếm đóng.

Lính Mỹ được lệnh phải tôn trọng phong tục tập quán của nước Nhật và giúp đỡ người dân, chẳng hạn, khi vào nhà phải cởi giày để ở bên ngoài, đứng điều khiển giao thông trước các trạm xe lửa có xe cộ đông đúc, giúp đỡ trẻ em thiếu ăn. Người Nhật cảm động trước cách cư xử này của lính Mỹ.

 Một bé gái Nhật cõng em, chụp tại Hiroshima năm 1945

Điều đầu tiên chính phủ Nhật chuẩn bị khi lính Mỹ tiến vào nước Nhật là mở ra hàng trăm nhà chứa điếm và các trạm giải trí để lính Mỹ đừng xâm phạm đến phụ nữ Nhật. Một số phụ nữ Nhật lo sợ bị lính Mỹ hãm hiếp nên đã cắt tóc ngăn, ăn mặc giả như là đàn ông khi đi ra ngoài. Có người kể là có phụ nữ đem theo những viên thuốc độc cianide để phòng khi bị cưỡng hiếp thì họ sẽ uống thuốc độc tự tử để khỏi bị mang nhục.

Lúc đầu, lính Mỹ được ra lệnh khi đi ra khỏi doanh trại phải trang bị đầy đủ vũ khí giống như khi ra trận, không được phép thân mật hay kết bè bạn với người Nhật. Nhiều người Nhật phàn nàn về chính sách này và sau đó người Mỹ thấy người Nhật không có vẻ gì là thù hận người Mỹ và không có ý định hại người Mỹ nên sáu tháng sau, lệnh trên được bãi bỏ. Lính Mỹ có thể đi ra ngoài phố mà không cần phải đem vũ khí theo.
 Lính Mỹ chơi với trẻ em Nhật

Khi ra tướng McArthur ra trước quốc hội Mỹ để trình bày cho quốc hội biết kế hoạch ông sẽ thực hiện tại Nhật, ông nói là sẽ biến nước Nhật thành một nước dân chủ và theo kinh tế tư bản.

Chính sách của Mỹ tại Nhật sau chiến tranh là tìm cách loại bỏ các thành phần hiếu chiến đã chủ trương gây chiến tranh. Đồng thời với việc loại các thành phần hiếu chiến là sửa đổi kinh tế để các thành phần chủ chiến mất cơ sở về kinh tế. Về mặt xã hội, tinh thần thượng võ theo truyền thống của Nhật bị xóa bỏ bớt.

Đọc toàm bài :


Minh Đức