Wednesday, September 17, 2014

HS

Hoàng Sa và
những nhân chứng lên tiếng từ nước Pháp
Sau ngày Mao Trạch Đông đưa quân ngang nhiên chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa đã có nhiều nhân chứng và trí thức ở Pháp lên tiếng khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam như GS Charles Rousseau - giảng dạy Luật quốc tế tại ĐH Luật Paris; trung tướng không quân Jean Dechaux; và người dựng bia chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa năm 1938: André Faucheux…


Trạm chuyển phát tín hiện radio tại quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam năm 1930

André Faucheux làm việc tại Việt Nam suốt 22 năm (1924-1946), là quan Chánh Lục lộ (Trưởng ty Công chánh) của tỉnh Quảng Nam và thị xã Tourane (Đà Nẵng) đã cùng một phái bộ của chính quyền bảo hộ Pháp đến “trồng bia chủ quyền của triều đình Huế” tại quần đảo Hoàng Sa năm 1938, kể:

“Khi chúng tôi đến quần đảo này (…) thấy có một tượng Phật Quan Âm bằng đá cao lối 4 tấc, sau đó chúng tôi được biết tượng Phật Quan Âm này do các ngư phủ Việt Nam thường đến quần đảo để săn rùa dựng lên”.

Và Faucheux quả quyết: “Chúng tôi không hề thấy một người Tàu nào trên quần đảo cả. Vả lại, sau khi trồng bia chủ quyền xong, tôi cũng không hề nghe có chính phủ Trung Hoa hoặc bất cứ chính phủ nào khác phản đối. Như thế tôi nghĩ Hoàng Sa phải là một phần đất của Việt Nam” (tài liệu VNCH đã dẫn, tr. 78).



Bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa do người Pháp trồng năm 1838 (xem nhân chứng André Faucheux trong bài). Hàng chữ ghi trên bia: République Francaise, Empire d’Annam, Archipel des Paracels, 1816 -1838 (1816 là năm vua Gia Long lên đảo cắm cờ chủ quyền và năm 1838 là năm bia được trồng). Bối cảnh trong hình là ngọn hải đăng.


Vài tháng sau, ông Faucheux lại đến Hoàng Sa lần thứ hai để xây cất doanh trại cho một đơn vị vệ binh triều đình Huế trú đóng. Lần đó, ông cũng xác nhận “không thấy một người Tàu nào trên đảo cả”. Faucheux khẳng định như thế khi trả lời phỏng vấn do Trung tâm Thông tin Paris thuộc hệ thống thông tin quốc ngoại của VNCH thực hiện ngày 5.3.1974, lúc ấy ông 75 tuổi.
Một nhân chứng khác: trung tướng Jean Dechaux, 70 tuổi. Vào tháng 10.1937, ông mang cấp bậc đại úy chỉ huy trưởng một tiểu phi đội (escadrille) thủy phi cơ đóng gần Sài Gòn, đã theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương “lái một thủy phi cơ thực hiện phi vụ nhiếp ảnh các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa”.

Ông phát biểu: trong suốt thời gian ông phục vụ tại Việt Nam (từ 1935-1939) và trong năm 1945 khi ông có dịp trở lại Việt Nam không hề nghe nói Trung Hoa lên tiếng phản đối hoặc đòi hỏi chi cả: “Lúc ấy không ai nghĩ rằng Trung Hoa có thể phản đối vì rõ ràng Hoàng Sa thuộc chủ quyền của triều đình Huế. Theo chỗ tôi biết thì ít ra từ hơn một trăm năm qua quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của triều đình Huế đặt dưới sự bảo hộ Pháp và kế đó là đương nhiên thuộc quyền của Việt Nam” (tlđd, tr.81).

Pontoizeau là nhà nghiên cứu và nhà kinh doanh đến Việt Nam sinh sống trong 8 năm (từ 1945-1953) đã nghiên cứu tỉ mỉ về tài nguyên thiên nhiên của quần đảo Hoàng Sa. Ông cho biết: khi công việc kết thúc, ông rời Việt Nam đi Paris năm 1952 để chính thức gởi đơn đến Nha Hầm Mỏ (thuộc Bộ Kinh tế của chính phủ Pháp) xin phép khai thác ruộng muối, ngư sản và phosphat phân chim (guano) tại Hoàng Sa.
Vì Hoàng Sa, cạnh hải sản dồi dào, còn có nhiều loại hải điểu “như chim yến, nhạn, vịt, hải âu… đã cho một nguồn lợi rất lớn về trứng chim và nhất là về phân chim - phân chim của hàng triệu con, tích tụ ngày một nhiều, tác dụng với san hô cho một loại phosphat rất có giá trị - đó là nguồn lợi chính yếu của quần đảo.

Theo tài liệu của Tổng nha Khoáng chất và Công Kỹ nghệ thì số phosphat trên quần đảo như sau: Hoàng Sa: 562.000 - 960.000 tấn; Cam Tuyền: 675.000 - 1.440.000 tấn; Vĩnh Lạc: 787.000 - 1.200.000 tấn; Duy Mộng: 687.000 tấn. Số lượng phosphat tổng cộng có thể khai thác được trên toàn thể quần đảo mỗi năm là 12 triệu tấn (…)
Hãng phân bón Việt Nam thành lập tại Sài Gòn với sự hợp tác của hãng Shinwat hoạt động từ tháng 4.1959 đã khai thác được 20.000 tấn rồi bỏ dở vì thời tiết và vận chuyển khó khăn” (tlđd tr. 13).Ông

Pontoizeau cũng đã nhờ “một kỹ sư canh nông nghiên cứu việc trồng rau cải không cần đất (culture sans sol) để ông sẽ thực hiện tại Hoàng Sa, hầu cung cấp thực phẩm tươi cho công nhân làm việc tại đó”. Nhưng rất tiếc diễn biến thời sự và chiến cuộc vào đầu năm 1953 làm ông phải hủy bỏ kế hoạch nói trên.

Trả lời phỏng vấn ngày 6.3.1974 của Trung tâm Thông tin Paris, ông nói: “Qua công cuộc nghiên cứu của tôi, tôi quả quyết rằng về mọi phương diện lịch sử, địa lý và pháp lý, quần đảo Hoàng Sa phải là một phần đất của Việt Nam (…). Trung Cộng chiếm Hoàng Sa không khác nào họ xâm chiếm đảo Corse của chúng tôi” (tlđd tr.79).

Charles Rousseau - thành viên của Tòa án trọng tài quốc tế tại La Haye và là giám đốc Viện khảo cứu các vấn đề quốc tế tại Paris, đã nghiên cứu tường tận về lịch sử và khía cạnh pháp lý của quần đảo Hoàng Sa (và Trường Sa) và viết bài đăng trên tạp chí Revue General de Droit International (số 3, Paris 7.1972) đưa ra luận cứ về kế cận địa dư:

“Trung Cộng cũng có thể đưa ra luận cứ này trong vụ Hoàng Sa, nhưng yếu tố kế cận địa dư chỉ có giá trị với điều kiện đi đôi với yếu tố chiếm hữu thật sự mà chỉ có Việt Nam (Cộng hòa) là hội đủ hai yếu tố đó” (tlđd tr.80).
Ba người đàn bà Việt Nam trên đảo Pattle (Hoàng Sa),hình chụp trước năm 1940 (Xuất xứ: Album của Colonel Pierre Bodin, Tuần báo Le Point số 36 ra ngày 4.3.1974)


Mao Trạch Đông bất chấp pháp lý lẫn đạo lý để cất quân đánh chiếm Hoàng Sa bởi nhiều nguyên do, trong đó có vị trí đặc biệt về quân sự của quần đảo này trong khu vực - tài liệu VNCH có đoạn:
 
“Từ năm 1939-1945, Nhật đã dùng làm căn cứ tàu ngầm và tàu phóng ngư lôi. Sau khi Nhật bại trận và rút quân ra khỏi toàn thể Đông Dương vào tháng 8.1945, vì nhận thấy rõ vị trí chiến lược của quần đảo Hoàng Sa nên Pháp đã gởi tàu Savorgnan de Brazza đến tái chiếm quần đảo vào tháng 5.1946.
Trước đó, khi được giữ vai trò giải giới quân đội Nhật, Trung Hoa (Trung Hoa dân quốc thời Tưởng Giới Thạch - GH) đã mưu toan chiếm các quần đảo Hoàng Sa. Nhận được tin này, chính phủ Pháp tức tốc gửi tàu Le Tonkinois đến tái chiếm quần đảo Hoàng Sa và đụng độ với quân Trung Hoa ở đảo Phú Lâm.

Vào năm 1956, Trung Cộng (CHND Trung Hoa thời Mao Trạch Đông - GH) đem quân chiếm đảo Phú Lâm và Lincoln thuộc quần đảo Hoàng Sa bằng cách cho quân lính giả dạng ngư phủ đổ bộ lên đảo xây cất cơ sở, thiết lập cầu tàu, doanh trại.

Quần đảo Hoàng Sa nằm ngay trên hải đạo Sài Gòn - Hương Cảng, Hải Phòng - Manila nên kiểm soát được tất cả mọi sự lưu thông trên biển Đông (…) hơn nữa các đảo này có thể dùng làm căn cứ cho tàu ngầm, tiểu đỉnh, đặt các dàn hỏa tiễn, đặt rada…

Tóm lại (…) quần đảo Hoàng Sa rất quan trọng về phương diện chiến lược cho các quốc gia quanh vùng biển (…) đặc biệt là Việt Nam”.


Giao Hưởng