Saturday, March 16, 2024

CON ĐƯỜNG BUỒN THIU

Trích : 

Bài dịch chương 7, Street Without Joy của cuốn sách  

Street Without Joy - (Indochina at War, 1946-54)

*

   “Đã nhiều năm, việc liên lạc giữa các tỉnh dọc theo bờ biển miền Trung Việt Nam rất khó khăn vì các cuộc tấn công của quân Cọng Sản dọc theo Quốc lộ 1. Những khó khăn đó chính yếu là do một loạt các làng mạc được tổ chức phòng vệ kỷ lưỡng dọc theo dãy đồi cát và các đầm nước mặn chạy dài từ Huế đến Quảng Trị. Năm 1953, Bộ Tư Lệnh Cao Cấp Pháp tập trung các lực lượng trừ bị trong khu vưc với cố gắng quét sạch một lần cho xong những đe dọa nầy. Đồng thời, các đoàn xe “công voa” của quân Pháp bị thiệt hại nặng nề vì các cuộc phục kích và pháo kích của các đơn vị của Trung Đoàn 95. Đây là đơn vị quân Cộng Sản thiện chiến thâm nhập vào phía sau phòng tuyến Pháp. Điều nầy gợi cho binh lính Pháp một ấn tượng u ám rằng con đường số 1 là “Con Đường Buồn Thiu”. 

Hồi tháng 7 năm 1953, Bộ Tư Lệnh Cao Cấp Pháp quyết định tổ chức cuộc hành quân tên là “Camargue” tại “Con Đường Buồn Thiu” nầy để càn quét quân Việt Minh, thực hiện những cuộc đổ bộ dọc theo bờ biển cát tại vùng Trung Việt, đồng thời có thêm hai đơn vị thiết giáp phối hợp hoạt động cũng như lực lượng nhảy dù làm hậu bị để khóa những con đường trốn chạy của Cộng Sản sau khi vòng vây đã xiết chặt. Với một số trung đoàn bộ binh và hai tiểu đoàn nhảy dù, một trung đoàn thiết giáp, một đơn vị hỏa xa bọc thép, bốn tiểu đoàn pháo binh, ba mươi tư máy bay chuyển vận, sáu máy bay trinh sát, hai mươi bốn oanh tạc cơ và khoảng mười hai tàu hải quân, bao gồm ba tàu LST’s, – lực lượng nầy chẳng kém gì lắm nếu so với tầm cở của những cuộc đổ bộ hồi Thế Giới Chiến Tranh Thứ Hai ở Thái Bình Dương. Lực lượng Cộng Sản rõ ràng chỉ có Trung Đoàn 95 và một ít đơn vị du kích địa phương, ít có cơ may thoát khỏi cuộc bao vây nầy.

Cuộc tấn công thực hiện bằng hai lực lượng đổ bộ, ba chiến đoàn bộ binh và một lực lượng nhảy dù, do tướng Leblanc chỉ huy tổng quát, mỗi cánh quân có một bộ chỉ huy đặc nhiệm do một đại tá cầm đầu.

Rạng đông ngày 28 tháng 7, Chiến Đoàn A đổ bộ vào bờ biển. Hai giờ sau, Chiến Đoàn B từ phía bắc tiến xuống phía nam đằng trước tuyến đổ bộ của Chiến Đoàn A. Vào lúc 7giờ 15, Chiến Đoàn C tiến dọc theo kinh Vân Trình để đẩy các đơn vị địch ở phía tây sông nầy phải ra sát bờ sông hoặc phải vượt qua sông. Chiến Đoàn B lưu ý phối hợp hoạt động với Chiến Đoàn D đổ bộ vào khu phía nam của Chiến Đoàn A, ở phía bắc bán đảo trên phá (Tam Giang).

Nếu được, Chiến Đoàn B sẽ đổ bộ sớm hơn, vào lúc 3 giờ sáng cho lực lượng thủy binh và 5 giờ cho lực lượng bộ binh, tiến lên phía bắc, xuyên qua bán đảo phía ngoài phá Tam Giang để tạo một trận tuyến chung với Chiến Đoàn C càng sớm càng tốt. Hai tiểu đoàn nhảy dù làm lực lượng hậu bị chờ lệnh triển khai của bộ Tư lệnh được đặt trong tình trạng ứng chiến. Đây là lực lượng quan trọng sẽ được đưa vào chiến trường để kết thúc trận đánh.

Thoạt nhìn, trận chiến có vẽ thành công. Xử dụng một lực lượng tổng cọng tới hơn ba mươi tiểu đoàn, gồm cả một lực lượng tương đương hai trung đoàn thiết giáp và hai trung đoàn pháo binh, cuộc hành quân dọc theo “Con Đường Buồn Thiu” chắc chắn là một trong những cuộc hành quân kinh khủng nhứt từng xẩy ra trên chiến trường Đông Dương. Tuy nhiên, về mặt khác, quân số kẻ thù cao lắm cũng chỉ có một trung đoàn bộ binh yếu kém. Sự kiện làm cho cuộc hành quân của Pháp gặp nhiều khó khăn là địa hình.

Từ bờ biển nhìn vào đất liền, khu vực hành quân tự nó có 7 vùng đất khác biệt nhau. Thứ nhứt là bờ biển, dài và phẳng, có những đồi cát, không có gì khó khăn lắm. Tuy nhiên, ngoài 100 mét bằng phẳng đó, tại nơi những đụn cát bắt đầu, độ cao thay đổi từ 15 đến 60 bộ, khó trèo lên được và những đụn cát nầy chấm dứt bên phía đất liền bằng nhiều mương rạch hoặc bờ đất đứng. Vài làng đánh cá dựng tạm trên các đồi cát chạy sâu vào hơn hai cây số. Tiếp đó là một khu vào sâu khoảng 800 mét, gồm bãi tha ma, chùa miễu rất thuận lợi cho quân phòng ngự. Tiếp đó là “Con Đường Buồn Thiu” chạy dọc theo các ngôi làng nhỏ cách nhau khoảng bốn, năm chục mét. Mỗi làng là một khung cảnh phức tạp, mỗi bề khoảng vài trăm thước bao bọc bằng những lũy tre, bụi bờ hoặc các hàng rào nhỏ làm cho máy bay rất khó quan sát. Trung đoàn 95 đã bỏ ra hai năm để lập hệ thống phòng thủ cho các làng nầy và liên kết với nhau bằng một hệ thống địa đạo, các điểm chôn dấu vũ khí, trạm cứu thương. Không một cuộc tấn công đơn lẻ nào của các lực lượng lưu động lớn có thể khám phá hay tiêu diệt được. Khu vực nầy gồm hai chục cây số bề dài và ba trăm mét bề ngang, với những làng mạc như thế tạo thành trung tâm kháng chiến của quân Cọng Sản ở miền trung Việt Nam.

Về mặt khác, phía “Con Đường Buồn Thiu” là một dãy làng kém đặc sắc, mà trung tâm là làng Vân Trình. Ngược lại, khu nầy được che chở bằng một khu vực rộng lớn gồm những đầm lầy, hố cát, cát lún, kéo dài tới Quốc lộ 1. Với bề ngang trung bình khoảng tám cây số, chiến xa và các loại xe có động cơ khác của quân đội Pháp không thể di chuyển được, ngoại trừ vài đoạn đường, dĩ nhiên ở đây chôn rất nhiều mìn. Nói một cách ngắn gọn, “Con Đường Buồn Thiu” là một hệ thống phòng thủ mà người Pháp quyết định đập tan bằng một cuộc tấn công phối hợp ba lực lượng không quân, hải quân và bộ binh.

Quân Pháp còn gặp một khó khăn khác là những làng nầy còn có cư dân đang ở, họ là những nhóm nhỏ làm ruộng hoặc đánh cá. Ít ra, về mặt lý thuyết, số dân nầy được coi là “thân hữu”. Một ngày trước khi cuộc hành quân khai diễn, Bộ Chỉ Huy Cao Cấp ra lệnh cho tất cả các đơn vị phải có “thái độ nhân đạo” và tôn trọng người dân. Trước tiên, quân Pháp không được oanh tạc hay đốt làng. Lệnh nầy chắc chắn hạn chế hỏa lực, làm giảm hiệu năng của cuộc tấn công, đặc biệt khi tấn công vào các căn cứ Cọng Sản.

Giờ H là rạng đông ngày 28 tháng 7 năm 1953. Các chiếc tàu LST ì ạch rời khỏi vị trí tập trung vào tối hôm trước, chạy suốt đêm để tới cho kịp vùng đổ bộ dọc theo bờ biển đối mặt với “Con Đường Buồn Thiu”. Cuộc đổ bộ bắt đầu lúc 4 giờ sáng, trong tiếng lách cách vũ khí cá nhân va chạm và tiếng máy tàu gầm rú. Các loại xe lội nước Crabs (cua) và Alligators (cá sấu) của đơn vị đổ bộ bắt đầu rời tàu chạy xuống nước.

Crabs và Alligators là hai biệt danh của loại xe lội nước do Mỹ chế tạo. Crabs là loại chuyển vận xa 29-C và Alligators là loại thiết vận xa đổ bộ L.V.T. (landing vehicle, tracked) 4 và 4 A. Như tên gọi, Crabs không bao giờ là loại xe dùng để tác chiến, nhưng người Pháp ở Đông Dương chẳng bao lâu khám phá ra rằng loại xe nầy có thể dùng để chuyển quân như một loại xe thủy bộ tại những vùng đầm lầy không có đường sá, đồng ruộng ở vùng đất thấp Việt Nam hay dọc các bờ biển.

Đầu tiên, loại xe nầy không trang bị vũ khí nên họ phải thiết trí vài loại vũ khí nhẹ, súng cối và chúng trở thành mục tiêu cho loại súng không giật của địch. Sự kiện nầy làm thay đổi chiến thuật, đến năm 1953, các đơn vị xe lội nước nầy trở thành đơn vị thiết giáp thường trực của quân Pháp ở Đông Dương. Đó là sự phối hợp giữa hai chi đoàn 33 xe Crabs cho mỗi đơn vị, dùng để thám thính và truy kích, ba chi đoàn xe Alligators (L.V.T.) tạo thành lực lượng nòng cốt, do đó, chúng là những đơn vị thiết giáp vũ trang. Cuối cùng một chi đội với 6 xe L.V.T. trang bị đại bác, làm thành một đơn vị pháo di động.

Về mặt khắc, các xe lội nước nầy không được chắc chắn và đòi hỏi bảo trì kỹ lưỡng, khó thực hiện khi các xe nầy được xử dụng trong vùng đầm lầy ở Đông Dương. Loại Crabs trước tiên được chế tạo để vận chuyển hàng hóa ở Alaska – không đủ nước để nổi và hiện cao trên mặt đất, dễ trở thành mục tiêu cho địch sau khi địch khám phá ra rằng đó không phải là loại xe bọc thép. Mặt khác, loại xe nầy có thể chở trên xe tải (G.M.C.) hay trên tàu thủy hay xà-lan được. Loại Alligators nặng hơn và có bọc thép, lội nước thì hay nhưng khi chạy trên đất thì nặng nề và may móc thì yếu. Trên bộ, loại xe nầy không thể chạy được xa, có thể chuyên chở bằng các loại vận chuyển đăc biệt; không thể chở trên xe G.M.C. vì quá to và nặng.

Tuy nhiên, tổng số 160 chiếc xe lội nước tiến vào bờ biển Trung Phần Việt Nam, một chiếc khi đi qua quậy nên môt vũng bùn xám xịt màu chì, cùng với những lá cờ cột trên cần ăng-ten bay phất phới trong gió sớm. Đợt đổ bộ đầu tiên thực hiện vào lúc 6giờ sáng, tiến qua các ngôi làng dọc bờ biển và tức khắc chiếm lĩnh dãy đồi cát hình vòng cung đầu tiên có thể từ đó quan sát hết các ngọn đồi cát khác nằm dọc theo bờ biển. Cuộc tấn công của quân Pháp vào “Con Đường Buồn Thiu” bắt đầu.

Các đơn vị bộ binh thường trực khác thuộc Binh Đoàn Lưu Động Bắc Kỳ (Tonkin) gặp khó khăn hơn. Một trong ba tiểu đoàn, chỉ một mà thôi, tiểu đoàn 3 thuộc Bán Binh Đoàn Lê Dương Hải Ngoại số 13 không có kinh nghiệm hành quân đổ bộ, và hai tiểu đoàn khác, tiểu đoàn 1 người Mường và tiểu đoàn khinh binh 26 người Senegal cũng chẳng kinh nghiệm gì trong việc đổ bộ cả. Không giống như việc đổ bộ bằng tàu hạng nặng, loại tàu nhỏ nầy lắc lư, binh lính bị nôn mửa, phải bốn giờ đồng hồ cuộc đổ bộ mới hoàn tất thay vì hai giờ như trong dự trù. Trong khi đó, binh lính chiến đoàn thủy bộ số 3 cho xe tiến lên các đỉnh đồi cát. Các xe thiết giáp lội nước Alligators sau khi đổ bộ, vượt qua các đầm lầy và binh lính trên các xe nầy đã triển khai đội hình trên mặt đất. Trong nhiều trường hợp khác, loại xe Crabs nhẹ hơn tiến lên các ngọn đồi cát sau khi vượt qua các bờ đất cao phía ngoài bờ biển. Tuy nhiên, cuối cùng, dù phòng tuyến của họ bị đứt đoạn ở khoảng giữa các làng Tân An và Mỹ Thủy, họ cũng vội vã tiến vào đất liền. Quân Cọng Sản không có phản ứng gì, xem như họ không hiện diện ở đó. Có một số người bỏ chạy trốn khỏi làng Mỹ Thủy và ở phía bắc có hai trung đội đang tìm đường rút lui.

Trong khi đó, Chiến Đoàn B do đại tá Du Corail bắt đầu hoạt động. Lúc 6giờ30, hai tiểu đoàn của Binh Đoàn Lưu Động Trung Việt vượt qua sông Vân Trình và tới 7giờ 45 các bộ phận đi đầu báo cáo thấy bóng người ngồi trên xe lội nước Crabs đang chạy qua những đồi cát. Mặt bắc “Con Đường Buồn Thiu” đã bị khóa lại .

Bên phải Binh Đoàn Lưu Động Trung Việt, là Trung Đoàn Kỵ Binh người Ma-Rốc không gặp may. Đơn vị nầy hướng tới vùng đầm lầy không có đáy và các vũng cát sâu nằm ở phía đông Quốc lộ 1. Hầu hết xe cộ của họ, ngoại trừ loại chiến xa M-24 hạng nhẹ, chẳng bao lâu bị kẹt giữa đầm lầy. Họ đến được kinh Vân Trình (tuyến xuất phát của cuộc hành quân càn quét trên bộ) vào lúc 8giờ 30. Trong khu vực của họ cũng không thấy địch phản công.

Thực ra, toàn bộ vùng quê nầy coi như vùng chết hoàn toàn. Không thấy nông dân trên đường. Trong làng, dân chúng trốn trong nhà. Suốt toàn bộ khu vực vắng vẻ nầy chỉ thấy các vật di động là các hàng xe thiết giáp và các xe G.M.C. đang vất vả vượt qua các ngọn đồi cát và bãi lầy để tiến tới kinh Vân Trình.

Chỉ có bên phía cực phải Chiến Đoàn B là có tiếng súng nổ. Ở đó, một đại đội người Angiêri bất thần đụng với một toán khoảng vài ba chục Việt Minh. Binh nhì Mahammed Abd-el-Kader thuộc đại đội 2 bị đạn trung liên B.A.R. vào ngực, té xuống phía trước. Đồng đội anh ta phản công, bắn chừng vào các bờ bụi và các hố cát. Abd-el-Kadar là thương vong đầu tiên trong trận tấn công nầy.

Bên phải Chiến Đoàn B, Chiến Đoàn C do trung tá Gauthier chỉ huy gặp khó khăn nhứt trong cuộc hành quân. Phần lớn chiến đoàn nầy vượt qua đường Số 1 hướng về kinh Vân Trình phía bắc Mỹ Chánh. Toán thứ hai tiến song song với Quốc lộ 1 rồi quay về bên phải để tiến tới kinh Vân Trình, đoạn giữa làng Vân Trình và đầm lầy. Cuối cùng, tiểu đoàn (tabor) 9 Ma-Rốc, vào lúc 6giờ 30 dùng xe lội nước đổ bộ xuống làng Lai Hạ, giữ an ninh mặt biển, rồi quặt về phía đông nam dọc theo vùng đất cạnh phá Tam Giang với mục đích bao vây “Con Đường Buồn Thiu”. Tới 8giờ 30 thì tiến đến làng Tây Hoàng và hoàn thành giai đoạn 1 cuộc hành quân.

Chiến Đoàn D, do trung tá Le Havre chỉ huy, chặn phía bán đảo dọc theo phá Tam Giang tới thành phố Huế. Do rút kinh nghiệm, đoàn quân nầy ít gặp khó khăn như Chiến Đoàn A. Cuộc đổ bộ bắt đầu lúc 4giờ 30 có chi đoàn xe lội nước số 7 đi đầu, theo sau là các đơn vị biệt động và Tiểu Đoàn 3 của Trung Đoàn 3 Angiêri. Lính biệt động và đơn vị đổ bộ tới bờ biển và tiến quân không ngừng. Chi đoàn lội nước tiến lên phía bắc hướng về phá Tam Giang, trong khi quân biệt động chiếm giữ thị trấn Thế-Chí Đông và tiến thẳng qua bán đảo, tiến tới bờ bắc phá Tam Giang vào lúc 5giờ 30. Coi như Trung Đoàn 95 Việt Minh bị bao vây.

Sau đó là giai đoạn căng nhứt trong toàn bộ chiến dịch: Càn quét địch. Tướng Leblanc ra lệnh cho các tàu hải quân tiến lên phía bắc của các làng Ba-Làng và An Hội, bỏ neo cách bờ khoảng 4 dặm nhằm mục đích khóa chặt không cho địch quân trốn chạy bằng đường biển. Phía cực bắc “Con Đường Buồn Thiu”, Chiến Đoàn B bắt đầu càn quét qua từng làng, thực hiện một cuộc hành quân lớn nhứt một cách cẩn thận, không quan tâm tới hậu quả. Binh lính bao vây từng làng một. Sau đó, bộ binh trang bị đầy đủ tiến vào làng lục soát từng nhà trong khi các toán dò mìn và quân khuyển dò tìm (3) các bụi tre, cau tìm kiếm cửa hầm bí mật của địch giữa sự im lặng của dân chúng.

Như thường lệ, các người đàn ông trẻ trong làng đều bị bắt giữ, họ được các sĩ quan tình báo thanh lọc, tuy nhiên chẳng ai bị truy tố cả.

Tới 11 giờ, Chiến Đoàn B tiến được 7 dặm, xuyên qua các con đường ngoằn ngoèo trong các làng nhỏ nầy, không gặp một sức kháng cự nào. Họ tới làng Đơn Quế (4), ngay giữa “Con Đường Buồn Thiu”, tại ngã tư các con đường nhỏ xuyên qua các đồi cát dẫn tới kinh Vân Trình. Hồi xưa, nơi nầy có một cái “trạm ngựa” xây bằng gạch để chạy văn thư cho triều đình (5), nay trạm nầy vẫn còn, điều đó cho thấy tính cách quan trọng nào đó của nó vào hồi xa xưa.

Làng Đơn Quế nằm dưới ánh mặt trời giữa trưa, nép mình giữa các hàng tre lắc lư, chính là hình ảnh thanh bình của miền thôn dã Việt Nam trong mùa gió mùa đông-bắc, khi nông dân chẳng còn việc gì nhiều để làm ngoài việc cầu trời mưa để cho lúa lên xanh rồi chuyển qua màu lúa chín vàng ruộm. Nhưng bây giờ thì Đơn Quế trở thành mục tiêu tấn công của các chiến xa hạng nhẹ M-24 của tiểu đoàn 6 Ma-Rốc. Thực ra, toàn bộ mũi tấn công phía bắc đều do binh lính Ma-Rốc đảm nhận, tiểu đoàn 1 khinh binh có nhiệm vụ thanh sát và được trung đoàn 69 pháo binh howitzers của trung tá Piroth yễm trợ. Trung đoàn nầy đã được hoan nghênh tại Fez, một thành phố phía bắc Ma-Rốc. Những đơn vị nầy trưởng thành trong chiến tranh, chiến đấu chống lại các đơn vị thiết giáp của tướng Rommel Đức quốc xã ở Tuy-Ni-Di, vượt qua vùng Rapido, tiến qua vùng đồi núi Petrella ở Ý, đập tan binh đoàn 19 của Đức ở Hắc Lâm (Black Forest) và chạy đua cùng quân đội Mỹ, cố giành công chiếm Berchtesgaden. Họ là đạo quân nổi danh của quân đội Pháp ở Bắc Phi và nhiều người Ma-Rốc đã lên tới hàng sĩ quan cao cấp, – tướng lãnh của quân Pháp, hơn bất cứ quân nhân thuộc nước nào khác. Ở đây, họ lại thực hiện công việc đó trong khi càn quét khu vực nầy.

Các chiến xa M-24, cẩn thận dàn ra, tiến vào làng Đơn Quế, có bộ binh tùng thiết. Với giác quan thứ sáu bẩm sinh, binh lính Ma-Rốc cố dò mìn bẫy. Họ tới cách làng chỉ còn 150 mét. Mọi sự đều yên tĩnh, nhưng chính giác quan thứ sáu cho họ biết có điều nguy hiểm đang chờ họ trong làng. Một cách lặng lẽ, bộ binh chiếm con đê phía ngoài làng, bên hông các chiến xa.

Trên đầu xe, các người chỉ huy còn ngồi cao trên cửa xe để tầm quan sát được xa, và để hít hơi gió nhẹ. (Tại Trung Đoàn Kỵ Binh Hải Ngoại Số 1, một đội xe có một kỹ sư Đức Quốc Xã cũ, thiết kế một máy lạnh trong chiến xa. Chuyện được nhiều người biết khi chiến xa nầy bị phục kích, toán trên xe chiến đấu bền bỉ một cách bất thường, khi máy đó bị hỏng, họ hồi phục lại được)

Thiếu tá Derrieu, chỉ huy chi đoàn chiến xa đi tiên phong, hướng thẳng về phía làng. Con đường vào làng chẳng thấy có chướng ngại gì cả, cũng không thấy dấu có chôn mìn. Dù sao, xe tăng vẫn phải dừng lại chờ toán dò mìn ra dấu mới tiến thêm lên phía trước. Một cách có kỹ thuật, các anh lính nước da màu nâu, tai mang ống nghe và tay cầm cán máy dò mìn dài đang dò đường tiến tới làng Đơn Quế, im lặng làm việc dưới ánh mặt trời nhiệt đới gay gắt. Sau đó, anh trung sĩ Ma-Rốc đi đầu toán dò mìn không kịp nổ súng phản công khi thấy tia lửa tóa ra từ đầu nòng súng Việt Minh. Họ thấy lính Ma-Rốc tới quá gần! Dù sao, trận đánh cũng đã xảy ra một cách dữ dội và ngắn ngủi. Phản ứng hết sức nhanh, người lính đi đầu toán chỉ còn kịp nhào xuống đất, cuộn tròn mình vào trong bùn của đám ruộng bên đường. Chẳng ai bị thương nặng.

Các chiến xa gặp may vì quân Việt Minh đã nổ súng trước thời hạn. Hai khẩu đại bác không giật đúng ra chỉ nã đạn khi các chiến xa đi đầu rời khỏi các con đê để tiến vào các đám ruộng sâu.

Súng trên các chiến xa phản công bắn vào các mục tiêu nghi ngờ. Các khẩu liên thanh tỏ ra hữu hiệu hơn khi bắn vào các nhà tranh trong làng. Bộ binh triển khai thành một hình vòng cung bao vây làng Đơn Quế, nhưng vẫn chưa tiến vào làng. Đằng sau một trong những ngôi mộ ở bãi tha ma như người ta thường thấy trong vùng dân cư vùng quê viễn đông, viên chỉ huy tiểu đoàn đang ngồi xổm trên bùn, bản đồ đặt trên đầu gối, tay thì cầm ống nói máy truyền tin. Cái máy truyền tin đó do một người Việt Nam đeo trên lưng, người nầy cũng đang ngồi xổm xuống đất như tiểu đoàn trưởng vậy. Người mang máy nhìn một cách dửng dưng về phía trước, đầu anh ta đội một cái mũ rẻ tiền, trong cái nắng tỏa ra mơ hồ trên cánh đồng lúa.

Pháo của trung đoàn bắn vài loạt vào mục tiêu, và ít phút sau thì có tiếng máy truyền tin gọi yễm trợ. Làng Đơn Quế bắt đầu tan nát dưới hỏa lực pháo. Nhà tranh trong làng hết cái nầy tới cái khác bắt đầu cháy, khi các quả pháo rơi xuống nổ ầm ì. Vậy mà cũng chẳng có bóng người chạy ra, ngoại trừ có sự di chuyển ở các bờ tre quanh làng, thỉnh thoảnh có tia lửa chớp sáng ở đầu súng (cũng khó thấy rõ trong ánh nắng ban trưa). Có thể trong làng không có người. Bất thần, có tiếng nổ lớn ngay giữa làng, một cột khói đen dày đặc bay lên cao.

Thiếu tá Derrieu dùng ống nhòm của xe tăng quan sát khung cảnh trước mặt rồi nói với đám lính chung quanh: “Có lẽ pháo trúng hầm đạn. Tiến lên đi.” Tiếp đó là tiếng máy chiến xa gầm rú, ỳ ạch nối đuôi nhau tiến vào làng, bây giờ trông làng như một cái địa ngục. Qua máy truyền tin, thiếu tá Derrieu ra lệnh: “Đi cho đúng hàng, nhìn vào lằn xe đi trước, đừng sợ làm hại lúa.” Quả thật, anh ta nghĩ đến điều ấy quá muộn dù tổ tiên anh ta cũng là nông dân.

Bây giờ, ở đâu cũng xuất hiện những bóng đen nhỏ, từ các cửa sổ và trên mái nhà, các hố cá nhân đào bên đường, đúng là một làn sóng người chận đứng cuộc tấn công của xe tăng vào làng. Đây là giai đoạn 2 của cuộc phòng ngự bất thường. Một khi không nắm giữ được vị trí, Cọng Sản dùng dân chúng làm mộc che cho binh sĩ rút lui. Mưu mẹo đó lần nầy bị thất bại. Chiến xa không hành quân một mình, các bóng người mặc đồ đen từ trong làng chạy thẳng vào họng súng của lính Ma-Rốc. Tới 1 giờ trưa, Đại Đội 3, Tiểu Đoàn 310 thuộc Trung Đoàn Độc Lập 95, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng sự hy sinh của họ đã thực hiện đúng ý đồ cấp chỉ huy của họ đã vạch ra. Trong vòng hai giờ đồng hồ, đại bộ phận đơn vị rút được về cuối phía nam, chỗ nầy nhỏ như một cái túi, điểm cuối của kinh Vân Trình, nối liền với phá Tam Giang, có cây cối che kín, không ai có thể khóa chặt vòng vây ở ngay tại đó được.

Về phía Pháp, tướng Leblanc thấy rằng, địch quân thay vì chiến đấu tới cùng thì đã cố gắng một cách tuyệt vọng bằng cách kéo dài thời gian đến tối rút về phía các ngọn đồi phía tây Quốc lộ 1. Vì vậy, ông ra ra lệnh thả hai tiểu đoàn dù thuộc lực lượng trừ bị. Vào lúc 10giờ 45, Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn Nhảy Dù Thuộc Địa Số 1 được đưa bằng phi cơ từ Hà Nội vào, nhảy xuống làng Đại Lộc, vùng đồi cát gần Chiến Đoàn D, tức khắc tiến về đầu kinh Vân Trình. Đó là cuộc chạy đua nôn nóng nhằm khóa kín vòng vây Trung Đoàn 95.

Tới giữa sáng Ngày D, vẫn còn nhiều khe hở lớn ở phía nam kinh Vân Trình, gần làng Phú An và Lai Hạ, trong khi Tiểu Đoàn 9 Ma-Rốc đang cố vượt qua các hố cát và đầm lầy để tới tuyến xuất phát. Rõ ràng Cọng Sản dự đoán rất đúng điểm yếu nhất trong vòng vây của Pháp và phản ứng đúng theo dự đoán đó. Vào lúc 8giờ 45, ngay khi binh lính Ma-Rốc tiến dọc theo các con đê quanh làng Phú An, đại liên và súng nhỏ bắn rất dữ vào đội hình họ. Vì họ đi trên đường đê, in hình rõ trên nền trời và bóng thì lại in xuống các ruộng lúa nước nên trở thành những mục tiêu ngon lành cho địch quân. Tiểu đoàn nầy bị thiệt hại nặng. Bị cầm chưn, Tiểu Đoàn 9 gọi tiếp viện. Nhưng tiểu đoàn nầy là đơn vị thuộc chiến đoàn đang đóng ở xa hơn đơn vị đổ bộ thuộc chiến đoàn D kế bên đã bắt đầu bắn chặn. Liên lạc truyền tin với Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn ở Mỹ Chánh không thực hiện được. Chưa tới 9giờ 10, đại tá Gauthier nhận ra rằng toán quân ở phía cực phải của ông ta hoàn toàn yếu thế.

Nhưng Việt Minh không xử dụng toàn bộ chiến thuật của họ. Vào lúc 11giờ, các đơn vị nhỏ của Tiểu Đoàn 227 Cộng Sản tấn công bằng súng cối hạng nặng vào Trung Đoàn Lê Dương Kỵ Binh Hải Ngoại Số 1, đồng thời cũng tấn công bằng súng cối hạng nặng vào Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 4 Bộ Binh Ma-Rốc. Tới 9giờ 40, Gauthier quyết định thực hiện cú đánh ngược cuối cùng của ông ta: vội vàng điều động từ Huế, tung vào hai đại đội khóa sinh đang huấn luyện và ba đại đội của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Cuối cùng, hai đại đội bộ binh tăng cường được lệnh tiến vào làng Lai Hạ bằng tàu đổ bộ nhưng mãi đến 3 giờ chiều cuộc tiến quân nầy mới hoàn tất. Sau đó họ bị kẹt trong khu đầm lầy mất 4giờ đồng hồ nữa mới tới được chỗ tiểu đoàn Ma-Rốc bị tấn công. Được tiếp viện, tăng cường sức mạnh, binh lính Ma-Rốc phản công dữ dội, tới 5giờ rưởi chiều thì chiếm được làng.

Thấy chỗ yếu của Chiến Đoàn C, tướng Leblanc cho thả dù Tiểu Đoàn 3 dù đang ứng trực tại Tourane (Đà Nẵng). Lệnh nầy ban ra lúc 11giờ 45 và hạn phải thực hiện vào lúc 2giờ chiều. Nhưng vẫn còn vài điều chưa rõ trong lệnh hành quân. Theo các sĩ quan tham gia cuộc hành quân thì có hai lỗi lầm: Lệnh máy bay cất cánh hoãn lại cho tới 3 giờ chiều, thứ hai là thời tiết nơi khu vực đổ quân. Trong mùa gió mùa, vào buổi chiều dọc bờ biển miền trung gió thổi rất mạnh. Đây là điều ai cũng biết, nhưng thỉnh thoảng các đài khí tượng xa miền Trung, đặt gần Saigon hay Hà Nội không tiên đoán được điều đó. Kết quả là khi các máy bay C-47 vận chuyển binh lính xuất hiện ở bầu trời khu vực đổ quân ở làng Láng Bào thì gió đang thổi mạnh, 30 cây số một giờ, gấp đôi cấp gió tối đa cho phép đổ quân. Các sĩ quan chỉ huy cuộc nhảy dù, nhìn khói từ trái khói tỏa ra bị gió thổi sát mặt đất bèn lắc đầu. Một sĩ quan nói: “Không thể cho nhảy dù xuống được, họ sẽ bị thổi ra khỏi khu vực vì họ nhẹ lắm.”

Thực ra, nhẹ cân là vấn đề và đôi khi trở thành chuyện cười trong binh lính nhảy dù Việt Nam. Họ xử dụng dù của Mỹ là loại dù dành cho người nặng 200 pounds, cọng thêm 85 hay 100 pounds trang bị. Vì vậy, loại dù nầy quá lớn với người lính Việt Nam nhỏ con nặng khoảng 100 pounds, dù họ có mang đầy đủ tất cả những thứ lỉnh kỉnh thì cũng chỉ mới nặng bằng nửa người lính Mỹ hay người Tây phương. Do đó, nhìn chung, người lính nhảy dù Việt Nam thường bay trên trời lâu hơn (dễ trở thành mục tiêu cho quân địch nhắm bắn) và bay ra ngoài khu vực đổ quân. Cũng không thể cho người lính nhiều trang bị hơn vì một khi đã xuống tới đất, họ không thể mang những trang bị đó đi quanh. Việc nhẹ cân nầy, cùng với cơn gió mạnh là tai họa cho họ.

Tới bây giờ, việc đưa thêm quân vào phía bán đảo là hoàn toàn cần thiết để bảo đảm việc bao vây quân đội Việt Minh không cho rút ra ngã bờ biển và phá Tam Giang. Do đó, một tiểu đoàn tăng cường được thả dù xuống bất kể hậu quả như thế nào. Vào lúc 4giờ 50 chiều, đợt đầu tiên quân nhảy dù Việt Nam được thả xuống, và sau đó ít giây là các chuyến bay khác, các chiếc dù rơi trong bầu trời xanh. Mọi sự tuồng như tốt đẹp. Có một chiếc dù không mở và người ta thấy người lính rơi thẳng, chân xuống trước, như một vật nặng, khi đụng xuống cát thì tung lên một đám bụi như một quả pháo rớt xuống vậy.

Họ gặp gió mạnh và bị kéo xa tới 150 mét trên mặt đất, giống như có bàn tay vô hình nắm họ mà kéo đi vậy. Có người thay vì rơi theo chiều dọc thì bị gió kéo theo chiều ngang. Có người khi xuống đất thì bị rơi vào bụi bờ, đầm lầy và các con đê làng bằng một tốc độ nhanh như ngựa đang kéo xe. Có hai người giây dù mắc chéo vào nhau, cố gở ra nhưng không được. Đồ trang bị được thả xuống thì tệ hơn. Các trang bị nầy nhẹ hơn trọng lượng người lính nên bị gió thổi đi xa, rơi xuống biển hay bay vào vùng Cộng Sản kiểm soát. Tới 5giờ 30 thì tiểu đoàn tập trung được (Có người bị bay đi xa đến hai cây số và cố tìm đường về với đơn vị). Đó là đơn vị trang bị nhẹ nhưng chiến đấu giỏi. Mười phần trăm trong số họ bị thương khi nhảy dù xuống và hầu hết các trang bị nặng như súng cối, đại liên, đại bác không giật và đạn dược bị mất hết. Tuy nhiên họ cũng kịp thời chiếm lĩnh vị trí làm gọng kềm ở phía nam để kẹp Trung Đoàn 95 vào vòng vây giữa Chiến Đoàn 3 xe lội nước và Tiểu Đoàn 2 Dù được thả xuống đây vào sáng sớm.

Tới tối, sau khi chiếm được làng Phú An và Vân Trình, địch quân bị vây vào một khu vực rộng chỉ có 4 cây số bề ngang và 14 cây số bề dài. Về mọi mặt, cuộc hành quân Camargue được xem như thành công.

Tuy nhiên, sự thành công chỉ là bề mặt hơn là trên thực tế. Rõ ràng một nửa “Con Đường Buồn Thiu” nầy đã rơi vào tay quân Pháp nhưng chẳng bắt được tù binh nào cũng như vũ khí của địch. Điều đó có nghĩa là quân địch và trang bị của họ còn ở trong vùng bị bao vây phía nam Vân Trình. Việc nầy, muốn thành công phải có một cái bẫy khóa hết sức chặt.

Cuộc bao vây nầy, không được chặt như vậy. Dọc theo khu vực phía nam của Chiến Đoàn C, tuyến giao thông hào phòng ngự cuối cùng ở Phú An và cuộc phản công của Tiểu Đoàn 227 làm cho quân Pháp không tới được biên giới thiên nhiên của kinh Vân Trình. Kết quả là 4 tiểu đoàn Pháp canh giữ một phòng tuyến dài 12 cây số để canh chừng một lực lượng địch khoảng 2 ngàn 6 trăm người trốn thoát. Rõ ràng khu vực bị bao vây có nhiều kẻ hở nghiêm trọng, đặc biệt toàn bộ hệ thống rạch ngòi kinh rạch cắt ngang kinh Vân Trình tới Quốc lộ 1.

Để cầm chắc, các xe lội nước Crabs và Alligators dừng lại gần hoặc ngay giữa các kinh rạch và hàng trăm lính bộ binh khó nhọc ngâm mình trong bùn hoặc trong ruộng lúa nước ngang tới đầu gối suốt đêm để canh chừng các bóng đen xuất hiện trước mặt họ, nơi một tiếng động nhỏ của con nhái nhảy xuống nước hay một cán binh Cọng Sản sẩy chân đạp nhằm một cành cây đều được chú ý nhưng chẳng có gì cả ngoại trừ tiếng con trâu đi lạc đường thở phì phò tìm đường về chuồng.

Tới sáng, binh lính tập trung tiến lên phía trước. Dưới ánh mặt trời, làng mạc trông có vẻ hoàn toàn hoang vắng. Nông dân không ra đồng, cũng không có hình ảnh các em bé cho trâu ra đồng uể oải nhai cỏ. Chỉ có hình ảnh di động trong cánh đồng quê nầy là chiến xa di chuyển hay các xe lội nước đang chạy chầm chậm trong cơn gió nhẹ sớm mai và các anh lính bộ binh áo quần dơ dáy đầy bùn, tiến thành hàng dài trên các cánh đồng lúa, đôi khi đứt đoạn vì kéo dài ra tới phía chân trời.

Tới 11 giờ, mặt trời nung nóng những cái nón sắt, nón bêrê hay nón vải họ đội trên đầu. Chiến Đoàn A và D, cùng đi với các bộ phận Chiến Đoàn B tới kinh Vân Trình, suốt chiều dài đối diện với Chiến Đoàn C của đại tá Gauthier thì cái bẫy đã gói trọn “Con Đường Buồn Thiu” vào giữa. Các gọng kềm thép của các lực lượng trang bị hiện đại, có thêm sự hỗ trợ của tàu thủy, xe lội nước, xe tăng và máy bay, cố bao vây những người lính được huấn luyyện một cách vội vã, do những người chỉ huy có trình độ chiến thuật không cao, nhưng cuối cùng chẳng bắt được ai cả.

Để ăn chắc, người ta bắt giữ những kẻ tình nghi, đó là những người đang ở trong tuổi lính, không chứng minh được là người thuộc trong làng nên bị tình nghi là đang ở trong đơn vị quân Cộng Sản.

Người ta cũng tìm được một ít vũ khí và ở phía cực bắc của khu vực bị bao vây: Đơn Quế, nơi quân Cọng Sản đã chống lại, một ít bị bắt với vũ khí trong tay. Nhưng toàn bộ cuộc hành quân Camargue kể từ hôm bắt đầu cho đến gần hai ngày sau thì coi như thất bại. Tuy nhiên, cuộc chiến chưa hẵn đã chấm dứt.

Máy bay trinh sát bay thấp phát hiện có sự di chuyển về hướng làng An Hội, có chứng cớ cho thấy vài đơn vị của trung đoàn 95 chạy thoát về hướng bắc. Vì vậy, tới 1 giờ trưa, tướng Leblanc ra lệnh cho lính thủy và một vài đơn vị bộ binh thuộc Chiến Đoàn A thực hiện cuộc tấn công vào An Hội. Cuộc tiến công diễn ra thật nhanh, đổ bộ lúc 3 giờ chiều, lục soát những gì nghi ngờ và trở lại tàu lúc 6giờ chiều. Nhiệm vụ hoàn thành.

Còn một việc cần hoàn thành trong các làng đã bị chiếm đóng: lục soát từng nhà, tìm những gì cất dấu và các cán bộ Cọng Sản, những người nầy mặc đồ đen, chỉ khoảng 20 tuổi, thực sự là những người điều khiển chiến tranh bên phía địch. Hàng trăm lính bộ binh cầm máy dò mìn tỏa ra đi tìm, hoăc họ chỉ cầm cây sắt xâm

hầm hay dộng báng súng xuống đất, nơi nào nghi có hầm bí mật, có người thì cầm tay nhau nối thành giây, để mò xuống các đầm lầy, ao hồ tìm vũ khí địch cất dấu hoặc trang bị chất đống dưới nước. Một khối lượng lớn người đi lên đi xuống khắp cả vùng quê.

Thỉnh thoảng có người kêu to đau đớn và đồng đội kéo anh ta lên khỏi mặt nước. Chân anh đạp trúng chông. Một mảnh gỗ có cắm những cái chông đầu có hình mũi tên nhọn có thể đâm thủng chiếc giày nhà binh. Vì bị nhiễm độc, chân người phải ba bốn tháng mới lành. Tuy nhiên người ta vẫn nắm tay nhau thành một sợ giây dài để lội xuống nước hoặc những toán dò mìn và quân khuyển tiếp tục công việc nhàm chán và đều đặn đó mà biết chắc chẳng kết quả gì.

Trên đỉnh các ngọn đồi cát, các xe Crabs và Alligators của Chiến Đoàn Xe Lội Nước 2 và 3 đang quan sát vùng bờ biển làng Trung An chờ các toán tình báo an ninh người Việt và Pháp đưa người tới. Họ chính là nạn nhân chiến tranh, những người dân thường xui xẻo khi các xe thiết giáp quân Pháp càn quét các khu ruộng lúa, với chỉ mười phút phá hại công trình trồng trọt của người dân đã được năm tháng mà việc cày bừa thì quá sức nặng nhọc; hoặc còn bị cán bộ kinh tài bắt đóng thuế cho đảng sau khi đã đóng 3 phần tư cho chủ ruộng hay chủ nợ nặng lãi và thuế cho chính phủ. Tình thế thật tệ hại, chẳng có tiền may áo cho bé Hoàng đi học ở trường làng, cũng không có cá, thịt heo cho tết năm nay.

Tới cuối ngày D+2, mọi sức kháng cự không còn. Ngày hôm sau các đơn vị tiên phong, nhảy dù, các toán đổ bộ và biệt động được lệnh rút lui. Bây giờ là công việc kiểm soát thường trực vùng mới chiếm đóng. Những cây cầu bị phá mấy năm trước nay được dựng lại, những con đường bị Việt Minh cắt khúc được đắp lại. Những hầm hào chiến đấu do Cọng Sản dựng chung quanh “Con Đường Buồn Thiu” bị loại bỏ. Viên chức chính quyền Quốc Gia e ngại xuất hiện trước con mắt dân chúng thù nghịch hay sợ hãi sau một tuần chiến đấu và nhiều năm sống cô lập mà mọi thứ đều thiếu thốn, ngay cả viên thuốc trị bệnh sót rét.

Thiếu tá Derrieu của Tiểu Đoàn 6 Ma-Rốc, nhìn một vài viên chức chính quyền mới ở trong làng Đơn Quế, nói: “Thực là buồn cười, trông họ chẳng bao giờ có thể thành công, làm đúng những gì người dân mong muốn, dù họ có muốn tạ lỗi với tất cả mọi người. Chúng ta mới thực hiện một cuộc hành quân bằng máy bay và chiến xa còn họ thì khoác lác khoe khoang hoặc đe dọa dân làng làm như họ là kẻ thù của đất nước mà chúng ta phải đối đầu.”

Dujardin, một trung úy còn trẻ, đứng cạnh bóng im của một chiến xa M-24, nói: “Có thể như vậy, nhưng tối nay tôi chẳng quan tâm đến họ sau khi chúng ta rút quân ra khỏi vùng nầy. Họ sẽ ở lại đây cùng với nhóm nhân viên hành chánh ngay trong ngôi nhà người chỉ huy Cọng Sản ngủ ở đó tối hôm qua, cách cái đồn gần nhứt là ba trăm mét. Tôi chắc rằng họ không dám ngủ ở đây mà vào ngủ trong đồn.”

– “Có lẽ vậy, họ sẽ mất mặt với dân làng và công việc của họ trở thành vô ích.”

– “Nếu không vào ngủ trong đồn, ngày mai họ chết. Đúng là chẳng ích lợi gì. Dù sao, với hậu quả tâm lý của cuộc hành quân, chúng ta có thể bắt đầu với toàn bộ công việc ngay từ bây giờ cho tới ba tháng tới. Thật là một thứ hổn độn vô ích.”

– “Vâng, nếu người Việt Nam không thể thắng thì chúng ta cũng vậy thôi. Dù sao, đây cũng là đất nước của họ. Chúng ta hãy lên xe thôi.” Rồi hai người nhún vai đi về phía các chiếc xe tăng, trèo lên pháo tháp.

Bên dưới, trong làng Đơn Quế bị chiến trận tàn phá, các viên chức hành chánh người Việt trẻ đầy nhiệt tình mặc áo kaki và quần đen vẫn còn nói chuyện với dân làng đang đứng im lặng và bất động như các pho tượng gỗ.

Ngày 4 tháng 8/1953, Bộ Chỉ huy Cao cấp tuyên bố chấm dứt cuộc hành quân Camargue. Theo tin báo chí, cuộc hành quân hoàn toàn thắng lợi, một lần nữa chứng minh sự tiến bộ và linh động của quân đội Pháp và giá trị trang bị lưu động của họ trong chiến tranh đầm lầy. Tuy nhiên, trong chính báo cáo của họ thì cuộc hành quân đem lại những cảm giác lẫn lộn.

Trung đoàn 95 mất dạng một thời gian ở vùng bờ biển Trung Việt, khoảng vài chục làng lại được đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền Quốc Gia. Nhưng đây không phải là cuộc hành quân “rẻ tiền”. Một con số lớn và quan trọng về binh lính cũng như quân dụng của địch đã được rút khỏi các khu vực sinh tử, nơi họ thiếu thốn một cách nghiêm trọng và chính nơi họ vắng mặt tạo nên tình trạng khẩn cấp cho họ.

Kết quả thiệt hại thực tế của địch làm cho người ta nãn lòng. Về phía quân Pháp có 17 người tử trận và 100 bị thương; địch 182 chết và 387 người bị bắt cùng với 51 súng trường, 8 súng máy, 2 súng cối và 5 trung liên B.A.R bị tịch thu. Trong số nầy, không rõ bao nhiêu người thuộc Trung Đoàn 95 hay thuộc lực lượng du kích địa phương.

Về chiến thuật chiến tranh đầm lầy, cuộc hành quân Camargue một lần nữa cho thấy rằng khó có thể khóa kín vòng vây một khi một tiểu đoàn trấn giữ hơn một cây số rưởi bề dài – Thật ra các tiểu đoàn ở cạnh sườn phía nam của khu vực bao vây cuối cùng đã trấn giữ mộ chiều dài hơn ba cây số. Do đó, một số lớn quân Cọng Sản lọt ra khỏi vòng vây qua những lỗ lưới (bouclage). – Vòng bao vây bộ binh và thiết giáp Pháp trở thành dấu hiệu báo trước chẳng bao lâu bộ binh sẽ chầm chậm tiến tới vào ngày hành quân đầu tiên, loại trừ mọi hy vọng xiết chặt khu vực bao vây chót vào khi đêm xuống.

Bộ binh tiến chậm, tính trung bình một cây số rưởi một giờ đồng hồ. Tại đây, vị chỉ huy chiến thuật gặp phải tình trạng tấn thối lưỡng nan. Mục đích cuộc hành quân không phải là chiếm lĩnh diện địa mà càn quét Cọng quân ra khỏi vùng họ dễ trốn tránh, núp lén, các hầm bí mật. Do vậy bất cứ một cuộc tiến quân nhanh nào sẽ làm lỡ cơ hội kiếm tìm vũ khí, binh lính và các tổ chức bí mật của địch. Tình trạng tấn thối lưỡng nan nầy làm hao tốn thời gian của cuộc hành quân càn quét và chẳng bao giờ làm thỏa mãn ý đồ của cuộc hành quân đó.

Về căn bản, khuyết điểm quan trọng của cuộc hành quân Camargue cũng tương tự như các cuộc hành quân khác của Pháp ở Đông Dương, không khóa chặt lực lượng địch có thể thành công trừ phi lực lượng tấn công trội thế hơn với tỷ lệ 15/1 hay 20/1 so với quân phòng thủ vì địch thì quen địa thế, có lợi về mặt tổ chức phòng ngự và được cảm tình của dân chúng.

Quân Cọng sản có thêm một lợi thế quyết định khác là tin tức tình báo. Ít khi phía Pháp biết chắc là họ tìm kiếm gì trong một cuộc hành quân càn quét như thế. Mặt khác, chính vì mức độ quân số và tính cơ khí hóa của quân Pháp khi chống lại Việt Minh trước sau gì rồi cũng để lộ ý đồ của Pháp hoặc ngay cả lệnh lạc đã được ban ra. Việc xử dụng một lực lượng lớn lao như vậy cần có tin tình báo chính xác và đầy đủ và quan hệ giữa các viên chức tình báo ít hiện diện và chưa bị phát hiện. Do đó, tính chất bất thần của chiến thuật là – ngoại trừ tấn công bằng nhảy dù- phải tiến quân nhanh như một yếu tố bù trừ cho hành động kiểm soát kỹ lưỡng khu vực tiến quân.

Về phía Việt Minh, Trung Đoàn 95 vẫn tồn tại và về sau, mùa xuân năm 1954, tiếp tục chiến đấu, lại thâm nhập vào vùng đất đã bị càn quét, tấn công các đoàn xe trên Quốc Lộ 1, và tấn công ngay cả một tiểu đoàn Quân Đội Quốc Gia đóng gần Huế. Đơn vị nầy rút đi vào tháng 7/ 1954 theo Hiệp Định Đình Chiến Genève chia Việt Nam làm hai miền dọc theo vĩ tuyến 17 ở phía bắc Quảng Trị. Môt lần nữa, Trung Đoàn 95 đào bới vũ khí của họ chôn dấu dưới đầm lầy, ao hồ và xuất đầu lộ diện giữa thanh thiên bạch nhật tiến ra phía bắc, dọc theo con đường số 1 mà họ đã chiến đấu một cách gian khổ. Dọc theo con đường nầy, thỉnh thoảng có những trạm đóng quân của các chiến xa thuộc tiểu đoàn 6, súng thì chỉa lên trời, pháo tháp mở bung nắp ra.

Hòa bình ngắn ngủi diễn ra trên Quốc Lộ 1. Đầu năm 1962, vài cuộc phục kích xảy ra mà người ta biết là do những đơn vị chuyên nghiệp và thiện chiến, và chẳng bao lâu sau, quân đội Miền Nam cho biết rằng họ đã xác minh được đơn vị hoạt động trong vùng là Trung Đoàn 95 Cọng Sản. Trung đoàn nầy đã quay trở lại “Con Đưởng Buồn Thiu”.

Dịch xong ngày 4 tháng 10 năm 2002

Tuệ Chương Hoàng Long Hải

Đọc toàn bài 

 Con Đường Buồn Thiu

Tuesday, February 27, 2024

Wednesday, February 14, 2024

Sad Valentine 

Thiếu phụ gối đầu lên số phận
Bên đời lặng lẽ bóng tình quân
Lăng Ông Bà Chiểu câu xăm Tết

Vận mãi hồng trần lụy Giáp Thân.

Hoàng Dung

listen if you’re alone on valentines day…


Wednesday, February 7, 2024

 NHỚ TẾT QUÊ

Lá dong ôm trọn vui buồn
Ống giang cha chẻ lạt luồn buộc Xuân
Nếp thơm tắm nước trắng ngần
Mẹ ngồi gói cả tảo tần một năm

Mưa phùn đậu mái tranh nằm
Mẹ nhen khói bếp thăng trầm mẹ ơi
Nước sôi reo với củi tươi
Bên kiềng ông Táo canh nồi bánh chưng

Rạ rơm bén lửa bập bùng
Sưởi con ấm giữa một vùng ca dao
Giao thừa tiếng pháo chát chao
Ban thờ chứa những ước ao vơi đầy

Nén hương lấm láp chân gầy
Chắp tay cha khấn Xuân này ấm no
Con thương cái rét co ro
Cầu mong cha mẹ chẳng lo lắng gì

Em trai nhoẻn miệng cười khì
Áo quần mới mặc tập đi giữa nhà
Đồng tiền mang nặng tình cha
Nghe thơm thơm cả đượm đà quê hương

Con đi trên khắp nẻo đường
Mưa phùn nhớ Tết lại thương nhớ làng
Chiều nay cái rét về ngang
Lòng run run lạnh hai hàng mắt cay.

Bạch Văn Tín

@gvth

Monday, February 5, 2024

 Nhà Thơ Phạm Thiên Thư – Bốn Hình Ảnh Một Cuộc Đời

1. Người viết chơi với Phạm Thiên Thư (hình phải) từ những năm học trung học đệ nhất cấp khoảng 58 – 59. Thư đến nhà tôi ở ấp Cả Trắc, khu Ông Tạ và chúng tôi thường kéo nhau ra quán cà phê vợt ở đầu ngõ đi vào ấp. Trong những lần uống cà phê, Thư nói sôi nổi về việc lập học hội Hồ Quý Ly, để thực hiện việc nghiên cứu, viết văn, làm thơ. Mục đích là tiến tới làm một tập san văn nghệ.

Tôi đến nhà Phạm Thiên Thư tham dự những cuộc họp gồm có khoảng 6, 7 người trẻ ngang tuổi nhau. Tôi không nhớ tên ai. Nhà Thư lúc đó ở trong một con hẻm trên đường Lê Văn Duyệt, đối diện chợ Hòa Hưng, gần cống Bà Xếp. Con hẻm này thấp hơn mặt đường, nên vào hẻm phải đi xuống dốc. Sau một thời gian họp hành mấy tháng, chỉ thảo luận (tôi không nhớ là thảo luận gì), nhưng không làm gì. Chuyện tất nhiên, vì các bạn đến họp cũng đang học đệ ngũ, đệ tứ, hiểu biết bao nhiêu để viết. Có khá lắm là cuối năm làm bích báo ở trường, như tôi thường làm ở trường Chu Văn An. Thời gian này tôi đi bán báo buổi tối, rồi đi kèm trẻ ở tư gia, không có thời gian nhiều, nên tôi ngừng họp và cũng ít gặp Thư. Ngay từ lúc quen biết nhau, Thư đã có tên là Phạm Thiên Thư. Vì thế mãi sau này khi Thư nổi tiếng tôi mới biết Phạm Thiên Thư là bút hiệu, còn tên thật là Phạm Kim Long. Thư có dáng gồ ghề, nhưng nói năng hoạt bát với tiếng cười xuề xòa. Một thời gian sau tôi tới nhà Thư thì Thư đã di chuyển đi chỗ khác. Từ đó tôi và Thư không gặp nhau nữa.

2. Đến đầu thập niên 70, khi tôi là lính nằm giữ cầu, giữ đường ở Thừa Thiên thì bỗng nhiên cái tên Phạm Thiên Thư vang lên qua nhạc phẩm Ngày Xưa Hoàng Thị với tiếng hát Thái Thanh cao vút, âm thanh và lời tuyệt diệu. Chỉ một thời gian ngắn, Ngày Xưa Hoàng Thị trở thành một hiện tượng. Về Huế, vào quán cà phê nào cũng:

Em tan trường v, đường mưa nho nh

Ôm nghiêng tp v, tóc dài tà áo vn bay

Em đi du dàng, b vai em nh

Chim non l đường, nm im du m

Dưới ci mai vàng.

Anh theo Ng v, gót giày lng l đường quê.

Tiếp đó, cái tên Phạm Thiên Thư lại vút lên với ca khúc Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng:

Rng xưa có gã t quan

Lên non tìm đng hoa vàng ng say

 thì mình ngi mưa mau

Cũng đưa anh đến bên cu nước xuôi

Sông này chy mt dòng thôi

Mây đu sông thm tóc người cui sông.

Rồi liên tiếp, tiếng hát Thái Thanh lại đi vào lòng người với Em Lễ Chùa Này, Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu…

Thời gian những năm này, chiến tranh ở miền Nam leo thang dữ dội. Đêm đêm đại bác vọng về thành phố với ánh hỏa châu đè nặng lên lòng người. Trong tình cảnh đó, những bài thơ của Phạm Thiên Thư được thầy phù thủy âm thanh Phạm Duy phổ nhạc với tiếng hát Thái Thanh đã như những cơn gió xuân đưa con người ra khỏi bầu khí chiến tranh. Tiếng hát Thái Thanh đã đưa những vần thơ lãng mạn diễm ảo lên nhiều cung bậc. Người ta mơ theo tiếng hát và quên đi thực cảnh tang tóc quanh mình. Nhạc lời Trịnh Công Sơn đơn điệu chuyên chở chất bi thảm của chiến tranh. Còn thơ nhạc Phạm Thiên Thư và Phạm Duy có thiền vị diễm ảo như mây ở ngoài chiến tranh. Giới trẻ chào đón Ngày Xưa Hoàng Thị và Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng cũng là điều tự nhiên.

Tôi ngạc nhiên không ngờ người bạn có dáng dấp gồ ghề mặt to, miệng hô răng vẩu, mũi to tai lớn, cử chỉ và tiếng cười thuần chất nông dân lại là người sáng tạo những bài thơ diễm lệ đi ra ngoài tiếng bom đạn ngày càng dữ dội trên khắp đất nước. Từ đó tôi mới biết Phạm Thiên Thư đã đi tu từ năm 1964 với pháp danh Thích Tuệ Không. Và trong 9 năm ở chùa, Phạm Thiên Thư đã sáng tác nhiều thơ. Cũng trong thời gian này có một cái duyên đẹp là Phạm Thiên Thư đã gặp Phạm Duy qua nhà văn hóa Nguyễn Đức Quỳnh. Ông Quỳnh gợi ý: “Nhạc ông Duy toàn chất đời, nay gặp cư sĩ làm thơ về đạo, vậy hai ông nên kết hợp”. Và sự kết hợp này là một cơ duyên tuyệt vời. Theo lời nhạc sĩ Phạm Duy, thì khi đi vào tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca và tục ca là ông đã bế tắc về hướng sáng tác. Gặp Phạm Thiên Thư ông đã bắt được những bài thơ đạo, thơ thiền, đạo đi vào đời với tình lãng mạn thanh thoát, và những bài thơ này đã đưa ông ra khỏi những những đắng cay, chán chường để đi vào một hướng sáng tác mới với đạo ca, thiền ca. Thơ Phạm Thiên Thư đã khai thông bế tắc về hướng sáng tác cho Phạm Duy, còn nhạc Phạm Duy đã chắp cho thơ của Thư bay lên. Một Nhạc, một Thơ đã thành tri kỷ nương nhau tạo thành một nguồn âm thanh mới với tình ca, đạo ca, thiền ca hút hồn người trong lửa đạn chiến tranh.

Trong căn hầm ở đầu cầu Lăng Cô, tôi đã ngồi bên ly cà phê với chiếc máy cassette, nghe đi nghe lại: Em tan trường về… Ngày xưa có gã từ quan… và nghĩ đến Phạm Thiên Thư. Tôi đoán Thư đã nương cửa Phật để tránh lính, nhưng thời gian ở chùa đã giúp Thư làm được những việc có giá trị lớn, khai phá một dòng thơ lãng mạn đượm màu thiền mà Phạm Duy đã tạo thành những ca khúc diễm ảo. Trong khi đó chiến tranh đã giết mất những nhà văn trẻ như Doãn Dân, Y Uyên, Song Linh và nhạc sĩ Dzũng Chinh.

Mấy năm đầu thập niên 70, tôi có người em học Quốc Gia Hành Chánh, cũng làm thơ và chịu nhiều ảnh hưởng của Phạm Thiên Thư với những câu thơ như:

Nhng trang kinh vô t

Đưa ta vào tâm hư.

Năm 73, tôi có dịp vào Sài Gòn, đã nghe chú em nói nhiều về Phạm Thiên Thư. Em tôi coi Thư là thầy, rất ngưỡng mộ chất sống của ông thầy nửa đạo nửa đời với những bài thơ đượm thiền vị. Và chú em đã ghi cho tôi địa chỉ của Thư.

Nhà họ Phạm gần Tỉnh Đường Gia Định và chợ Bà Chiểu, từ đường Chi Lăng rẽ trái vào một con đường nhỏ khá dài. Trước ngõ có cây hoa vàng, tôi không biết là loại hoa gì. Ngôi nhà khang trang có sân rộng, phía ngoài gần cổng là cái gác gỗ, dưới là mái hiên rộng. Phía trước hiên có mấy chục chậu cây cảnh, trong đó có nhiều loại hoa mọc ngoài đường. Tôi nhớ nhất là hai chậu hoa ngũ sắc.

Phạm Thiên Thư tiếp tôi ở hàng hiên với cái bàn dài bằng tre. Thư vẫn nguyên dáng dấp thời 58, 59, nhưng mập mạp hơn với phong thái đạo sĩ ở cử chỉ và khung cảnh chung quanh. Sau mười mấy năm gặp lại, Thư vui và nói nhiều về những việc Thư đã làm. Nay tôi chỉ còn nhớ mấy điểm đặc biệt:

Thứ nhất, Thư cho biết dưới Hiên Văn này Thư đã tiếp nhiều nhà văn, nhà thơ Pháp, Mỹ, Nhật… Họ đã đến với những cuộc phỏng vấn.

Thứ nhì, Thư nói về Đoạn Trường Vô Thanh. Thư muốn thay Nguyễn Du nối dài đời Kiều. Đời trước đau khổ trầm luân không nói lên được. Đời sau của Kiều là đời ngộ đạo thông hiểu lẽ phù du mộng ảo, vô tướng, vô ngã của đời người. Thư đi xa hơn Nguyễn Du là đã Việt hóa Đoạn Trường Vô Thanh với con người, khung cảnh, điển tích Việt Nam.

Thứ ba, Thư nói đến chương trình thi hóa kinh Phật. Hoài bão của Thư là Việt hóa kinh Phật với những vần thơ đơn giản, phổ thông dễ vào tâm trí của mọi người.

Trong khi Thư nói, chiếc khánh bằng đồng treo trước hiên theo từng cơn gió lắc lư phát ra tiếng leng keng…đã tạo thành một khung cảnh lạ. Tôi nhìn lên chiếc khánh trong khi tai nghe cả hai thứ âm thanh. Lời người hòa lẫn tiếng leng keng theo gió… Tôi chợt thấy Thư khéo tạo cho mình một khung cảnh lạ, khung cảnh thoát tục của một đạo sĩ.

Tôi từ giã Phạm Thiên Thư với hình ảnh từ giã một đạo sĩ. Người bạn cũ thời 16, 17, nay thành nhà thơ nổi tiếng, nên ngôn ngữ có phần cao ngạo. Cuộc gặp gỡ chỉ có Thư nói. Thư diễn giảng và nói đến cái lớn của mình. Tôi thấy ở Thư một mâu thuẫn lớn. Chín năm trong chùa cho Thư thấm nhuần đạo để Thư nói đến cái không của đời người, làm thơ thiền nhìn đời hư ảo, nhưng cái ngã không nhẹ theo thơ mà rất nặng.

3. Khoảng tháng 9, 10 năm 81, sau khi chạy từ kinh tế mới Gia Ray, Long Khánh về Sài Gòn và có được chỗ an cư ở cà phê Ngự Uyển, trong ngõ Con Mắt khu Ông Tạ, tôi gặp ký giả Vũ Uyên Giang, bạn tù chung ở K1, trại cải tạo Suối Máu. Giang rủ tôi tới quán cà phê của Phạm Thiên Thư, ở đường Yên Đổ. Gần chục năm không nghĩ đến họ Phạm, giờ nghe Vũ Uyên Giang nhắc đến Thư, tôi vui nghĩ đến ông bạn đạo sĩ với Hiên Văn tre trúc và chiếc khánh đồng leng keng theo gió. Hai chúng tôi đạp xe từ khu Ông Tạ lên đường Yên Đổ. Quán cà phê của Thư ở gần góc Yên Đổ với đường Hai Bà Trưng. Chúng tôi bước vào quán, Thư nhận ra, đứng dậy vui cười đón tiếp. Quán nhỏ, có 4, 5 cái bàn vuông, phía trong lỉnh kỉnh chai, bình đựng rượu. Thư đem đến hai ly cà phê pha bằng vợt. Thư không còn dáng sẻ đạo sĩ của năm 1973 mà xuề xòa của một chủ quán. Quán vắng khách. Thư ngồi than việc làm ăn khó khăn. Bây giờ đọc những bài viết về nhà thơ họ Phạm thì giai đoạn này Thư sống với bà vợ thứ hai là Đỗ Thị Mai Trinh, rất đẹp, con gái nhà văn Hoàng Ly, chuyên viết truyện đường rừng, nhưng tôi không thấy bóng dáng Mai Trinh. Sau khi nói chuyện làm ăn, Thư hân hoan cho chúng tôi biết là đang viết Trường Ca Việt Nam ca ngợi đảng Cộng Sản đã chiến thắng để giải phóng con người, giải phóng đất nước thoát ách đế quốc, một chiến thắng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.

Tôi quá ngạc nhiên trước quan điểm và lý luận của Thư, nhưng không tiện tranh luận vì vô ích và nguy hiểm, nên cuối cùng chỉ nói là đảng Cộng Sản nhân danh cách mạng đã chiếm hết tất cả những chữ nghĩa đẹp nhất của thế gian. Việc họ làm, họ đã tự tuyên dương cũng đã hết chữ. Ông làm trường ca để ca ngợi cuộc chiến thắng của họ, tôi sợ ông không vượt qua được những chữ họ đã dùng. Nhưng ông có tài làm thơ hy vọng tìm được chữ tuyệt vời hơn.

4. Khoảng đầu năm 1982, tôi gặp Phạm Thiên Thư trên đường Chi Lăng, gần ngã tư Chi Lăng – Võ Di Nguy. Thư cho biết là Chủ Nhật tới sẽ khai trương quán cà phê vỉa hè đầu đường Hoàng Hoa Thám, con đường đâm ra đường Chi Lăng, gần nhà của Phạm Thiên Thư và hẹn tôi tới buổi khai trương.

Sáng Chủ Nhật theo hẹn, tôi rủ ông Nguyễn Gia Đôn, người tôi đang dạy tiếng Anh và nhà văn Hoàng Quốc Hải, bạn thân của ông Đôn thời Đôn ở Hà Nội, vào Sài Gòn để nghiên cứu về văn hóa miền Nam, tới quán cà phê vỉa hè của một nhà thơ lớn của miền Nam. Ngày hôm trước khi rủ hai ông cán bộ văn hóa, tôi đã nói qua về Phạm Thiên Thư và những tác phẩm của Thư, nhất là tập Hậu Truyện Kiều – Đoạn Trường Vô Thanh. Khi nghe tôi nói về Đoạn Trường Vô Thanh, ông Hải đã nói một câu mà tôi đã quên, ý nói là làm một việc thừa, vô ích.

Khi tới nơi, tôi thấy Thư đang ngồi xổm quạt lửa, lò dùng than củi – khói bay mù mịt. Mặt Thư vốn gồ ghề, nay thêm nước mắt, nước mũi vì khói. Dáng đạo sĩ đã biến mất, chỉ còn dáng một ông nông dân thổi lửa, quạt lò. Tôi đến chỗ bếp lò cho Thư biết, rồi tìm chỗ ngồi ở một cái bàn dưới gốc cây để tìm bóng râm dưới tàn cây.

Chừng 20 phút sau, Thư bưng cái khay đựng 3 ly cà phê đen tới để ra bàn. Tôi giới thiệu Thư với hai ông khách và nói thêm là hai ông muốn hiểu nội dung của Đoạn Trường Vô Thanh. Thư cười tươi, bảo là rất hân hạnh được hai ông chú ý tới tập thơ hậu Kiều. Nói rồi Thư đi tới mấy cái bàn khác. Tôi để ý nhìn Mai Trinh, nhưng bà ở xa không tới bàn chúng tôi, nên tôi không thấy được dung nhan. Nhìn quán cà phê vỉa hè với ánh nắng, tôi buồn đoán là quán sẽ không thọ. Khắp nơi đâu cũng quán cà phê. Sao Thư lại liều bán cà phê trên vỉa hè ít cây cối này? Đường cùng đến thế sao? Chúng tôi ngồi trên nửa tiếng, Thư vẫn loay hoay ở bếp lò, không tới ngồi tiếp bạn. Thấy hai ông Đôn và Hải có vẻ bồn chồn, tôi để tiền ra bàn, tính tới chào Thư để về, thì Thư tới mời chúng tôi đến nhà Nguyễn Tiến Văn, cũng ở trên đường Chi Lăng, cách quán cà phê của Thư mấy trăm thước.

Nhà Nguyễn Tiến Văn khang trang, rộng rãi, nhưng không có đồ đạc. Chỉ độc nhất một chiếc đàn piano để ở góc nhà. Sau khi chủ, khách bắt tay nhau, ông Tiến Văn giải chiếu hoa xuống nền nhà. Mọi người ngồi xếp bằng trên chiếu.

Tôi mở đầu với việc giới thiệu hai ông cán bộ văn hóa, nhất là ông Hoàng Quốc Hải từ Bộ Văn Hóa ở Hà Nội vào Nam để tìm hiểu về văn hóa miền Nam. Nhân dịp gặp nhà thơ Phạm Thiên Thư, hai ông muốn hiểu về mục đích và nội dung của Đoạn Trường Vô Thanh. Hy vọng nhà thơ Phạm Thiên Thư hoan hỷ nói về tác phẩm của mình theo sự thỉnh cầu của hai vị khách văn hóa.

Phạm Thiên Thư cám ơn sự quan tâm đến tác phẩm của hai ông, rồi vào đề bằng những câu thơ mở đầu của Đoạn Trường Vô Thanh:

Lòng như bát ngát mây xanh

Thân như sương t trên cành đông mai.

Cuc đi chp lóe, mưa bay,

Càng đi càng thy dm dài ni không.

Tư tưởng hư ảo, cái không của đời người này xuyên suốt tác phẩm qua 27 phần. Mỗi phần nói về một chuyện hay một hai nhân vật. Về nhân vật gồm có: Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúy Vân với Tiểu Nguyệt (con của Thúy Vân với Kim Trọng), Vương Quan, Vương ông, Vương bà, Hồ Ông (dòng dõi Hồ Quý Ly), Ẩn Lan (con gái Hồ Ông, người yêu của Vương Quan, Hồ Tôn Hiến. Những nhân vật được nói đến nhiều nhất là Kim Trọng, Hồ Tôn Hiến và Từ Hải (qua sự hồi tưởng của Kiều). Còn toàn thể mấy ngàn câu thơ là nói về đời Kiều: Thanh thản với đàn, với thơ, với hành hương… mà ở chỗ nào cũng đắm chìm vào suy tưởng về sự hư ảo, về cái không của kiếp người.

Đoạn Trường Vô Thanh có mấy đặc điểm:

Thứ nhất, nhân vật từ Đoạn Trường Tân Thanh qua Đoạn Trường Vô Thanh đã trở thành người Việt từ Từ Hải đến gia đình Kiều, vì thế sau khi mua lại khu vườn nhà cũ, gia đình Kiều đã hồi hương, trở về đất Việt.

Thứ nhì, khung cảnh toàn truyện và điển tích đã được Việt hóa với những Trương Chi, An Tiêm, Từ Thức… Hội xuân được tổ chức với hát quan họ, trống quân, đu dây, đô vật, tuồng chèo.

Thứ ba, màu vàng đã tràn khắp tác phẩm với cỏ vàng, lá vàng, rừng vàng, cúc vàng và mai vàng.

Thứ tư, Đoạn Trường Vô Thanh dài 3296 câu, hơn Đoạn Trường Tân Thanh 20 câu. Vậy là Vô Thanh đã phá kỷ lục của Tân Thanh.

Kết của Đoạn Trường Vô Thanh tưng bừng với đất nước thịnh trị:

Non Hng núi Tn chim ca

Sông Hà sông Cu la đà dòng xuôi

Núi sông chiếu diu tinh khôi

Ngc lên mt bin, vàng trôi mch rng

Mng người tri đt tưng bng

Rung Lam trâu kéo mt vng long lanh.

Trên đây là người viết tóm tắt một số điểm trong Đoạn Trường Vô Thanh. Còn thực sự Phạm Thiên Thư đã trình bày tác phẩm của ông rất tuyệt, vừa nói từng điểm vừa đọc thơ dẫn chứng. Tôi chưa đọc Đoạn Trường Vô Thanh nên chú ý nghe Thư diễn giảng. Cả hai ông Đôn và Hải chăm chú và bị cuốn hút theo dòng ngôn ngữ của Thư với những câu thơ trác tuyệt. Phạm Thiên Thư đã nói về Đoạn Trường Vô Thanh trong khoảng một tiếng.

Khi Thư kết thúc, tôi vui là Thư đã không làm tôi thất vọng, vì tôi đã giới thiệu một nhà thơ lớn của miền Nam với hai ông cán bộ văn hóa của đảng Cộng Sản. Ngôn ngữ với những vần thơ của Thư đã làm mờ đi sự tương phản giữa một người bán cà phê hè đường với một nhà thơ. Ở đây thư đã linh hoạt với những câu thơ tuyệt tác của mình: Như khi mô tả tiếng đàn Thúy Kiều:

Năm cung da diết đê mê

Nng hoen thm phn, mây k song hương. 

Ngón cong – đàn tr n hường

Ngón xuôi – tơ rng hoa vương my dòng.

hay nói về sự hư ảo của đời người:

Trăm năm là my nhp cu

Bước chân kiếm hi b dâu ngm li

T sinh mt cõi con người

Thp, cao, thành, bi, khóc cười d dang

Bun vui trong gic mơ màng

My ai thoát khi con đàng khói mây.

Nhìn hai ông cán bộ chú ý với nét mặt vui, tôi biết Thư đã chinh phục được cả hai ông với những câu thơ trác tuyệt cùng sự diễn giải tư tưởng Phật giáo làm nền cho cả tác phẩm.

5. Khoảng giữa năm 1982, tôi gặp Phạm Thiên Thư trên đường Lê Văn Duyệt, gần ngã ba Ông Tạ. Trên xe đạp của Thư lủng lẳng mấy giỏ đựng bình rượu. Tôi đưa Thư vào cái chái của tôi sau cà phê Ngự Uyển. Thư cho biết đã bỏ quán cà phê vỉa hè Hoàng Hoa Thám và nay đi bỏ mối rượu thuốc của nhà làm. Tôi đưa Thư lên cà phê Ngự Uyển, bảo cô Bội Yến thay băng cho nghe tiếng hát của cô. Thư yên lặng uống, nhìn quanh không nói gì. Tôi đoán có lẽ Thư đang so sánh cà phê Ngự Uyển với quán cà phê của Thư ở đường Yên Đổ và trên vỉa hè Hoàng Hoa Thám.

Từ đó, trên đường đi bỏ mối rượu thuốc, thỉnh thoảng Thư ghé lại cái chái của tôi. Có một lần Thư đọc cho nghe bài tứ tuyệt:

Mt túp lu tranh my lung rau

Đêm nghe mưa nh đng hoa bu

Rung đùi ngi khoác chăn đơn rách

Hào khí ngâm hoài thơ bn câu.

Tôi lắc đầu nói: Không được, bế tắc quá. Hào khí để làm gì, chớ hào khí để ngâm thơ như thế thì thành chim quốc. Rồi cười đọc hai câu trong Đoạn Trường Vô Thanh:

Chí người như cánh chim cao

L thay lòng li giam vào hu thanh.

Tôi đọc để đùa, nhưng không ngờ Thư đã cúi xuống lấy khăn lau mắt.

6. Khoảng cuối thập niên 1990 ở Chicago, qua chuyện trò với một người bạn ở Sài gòn, tôi biết tin Phạm Thiên Thư đang hành nghề “Bấm Huyệt Đạo Trị Bệnh”. Sau đó qua người bạn này, Thư gửi cho tôi một bản in roneo chỉ dạy xoa bóp huyệt đạo để tự chữa bệnh, gọi là “Phương Pháp Luyện Tập Điện Công Dưỡng Sinh Phathata (Pháp – Thân – Tâm)”. Tập roneo 6 trang gồm hai phần, mỗi phần 3 bài. Đọc xong những bài chỉ dẫn, tôi nghĩ nếu luyện tập theo những bài chỉ dẫn thì dễ bị Tẩu Hỏa Nhập Ma như những cao thủ luyện công không đúng phương pháp trong truyện chưởng của Kim Dung, vì phương pháp của Thư phức tạp quá, rất khó theo. Và thầm phục cái đầu đầy thơ như thế mà lại nghĩ ra được những phương pháp trị bệnh cứu người của nhà thơ họ Phạm.

Đến năm 2006, đọc bài “Gp li Phm Thiên Thư sau 25 năm” trên Net của Vũ Uyên Giang, tôi mới biết Phạm Thiên Thư đã trở lại nghề bán cà phê. Nhưng bây giờ tiệm cà phê của ông bề thế, là ngôi nhà hai tầng, tầng trên gia đình ở, tầng dưới là tiệm cà phê, với tên Cà Phê Hoa Vàng, ở số Y1B Hồng Lĩnh, quận 10 (khu này trước 1975 là Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa).

Trong bài “Cuc đi và hình nh nhà thơ Phm Thiên Thư hin nay”, trên Net, ông Phạm Văn Hà viết: ” Đoạn Trường Vô Thanh, tiếp nối Đoạn Trường Tân Thanh của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm này dài hơn truyện Kiều 20 câu, ông có vẻ tự hào kể lại. Ông nói cuộc đời ông và cuộc đời của Nguyễn Du có sự trùng hợp kỳ lạ. Nguyễn Du sinh năm canh thìn thì ông cũng sinh năm canh thìn. Cha của Nguyễn Du chết lúc Nguyễn Du 10 tuổi thì cha ông cũng chết lúc ông 10 tuổi. Nguyễn Du ở Thái Bình 10 năm thì ông cũng ở Thái Bình 10 năm. Nguyễn Du nghiên cứu kinh Kim Cương thì ông thi hóa kinh Kim Cương. Nguyễn Du viết truyện Kiều thì ông viết Đoạn Trường Vô Thanh. Ông còn kể nhiều nữa nhưng tôi không nhớ hết. Chắc ý ông muốn nói ông có đủ điều kiện để tái kiếp Nguyễn Du chăng? Đặc biệt Nguyễn Du có ba bà vợ thì ông cũng có 3 bà vợ. Bà vợ đầu là nữ sĩ Tuệ Mai, con gái nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải. Sau khi hai người chia tay, ông cáp với bà Đỗ Thị Mai Trinh, con gái nhà văn Hoàng Ly, chuyên viết truyện đường rừng, có với bà này 3 đứa con. Thập niên 80 hai người ly dị. Ông bán căn nhà ở đường Trần Kế Xương, Gia Định, được 40 cây, ông chỉ lấy 10 cây, còn lại để bà lo cho mấy đứa con. Ông lên xã Nha Bích tỉnh Bình Phước mua mấy mẫu rẫy, nhờ người trông coi trong khi ông vẫn ở Sài Gòn dạy điện công Phathata (pháp-thân-tâm). Ông lấy bà ba là Trần Thị Như Báu là một nha sĩ. Bà này trông có vẻ nhà quê, không có gì là trí thức, tướng mình dây, chân dài như người mẫu, kém ông 10 tuổi. Bà ta có một người con gái riêng là y tá. Khi mua căn nhà hiện ở bây giờ, ông bán mảnh rẫy ở Nha Bích được 400 triệu, bỏ vào xây. Xây xong, vợ ông làm giấy tờ cho con gái đứng tên, coi như ông trắng tay, đành mang kiếp ăn nhờ, ở đậu. Thời gian đầu bà chẳng coi ông ra gì, cư xử mách qué với ông.  Nhưng sau này bà ta đổi thái độ vì nhờ tiếng tăm của ông quán cà phê mới đông khách. Vắng ông khách cũng vắng theo”.

Theo Vũ Uyên Giang trong bài “Gặp Lại Phạm Thiên Thư sau 25 năm” thì từ sau ngày Phạm Duy trở về Việt Nam sinh sống và được hát lại những bản nhạc phổ thơ của Phạm Thiên Thư, khi được báo chí phỏng vấn, Phạm Duy đã giới thiệu quán Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư, nên sinh viên nam nữ kéo đến khá đông.

Trong bài “Phm Thiên Thư – Cõi hoa vàng trên ngn Hng Lĩnh“, Hoàng Phương Anh ghi lại hình ảnh của nhà thơ: “Ở tuổi  tám hai, ông đi lại chầm chậm, nói chuyện nhớ nhớ “ngày xưa”, quên quên “Hoàng Thị”. Hàng ngày hai buổi sáng, chiều, với y phục bình dị, ông lặng lẽ ngồi ở bàn riêng kê ngay sát cửa chính, như thiền sư trầm mặc nghĩ về cõi nhân gian”.

Kết

Trong khoảng 10 năm từ 1973 đến mấy năm đầu thập niên 1980, tôi gặp Phạm Thiên Thư không bao nhiêu, nhưng mỗi lần gặp lại thấy Thư biến đổi với hình ảnh khác nhau: Năm 73, Thư là hình ảnh siêu thoát của một đạo sĩ dưới Hiên Văn trong động hoa vàng. Năm 81 Thư xuề xòa trong hình ảnh của chủ quán cà phê. Năm 82 là hình ảnh của người đạp xe đi bán rượu thuốc. Tới thập niên 1990, Thư trở về nghề bán cà phê mà có người ca tụng: Cà phê Hoa Vàng trang nhã, tịch mịch và rất nên thơ, khách thường là những người đứng tuổi. Ai vào, nếu để ý sẽ thấy một “lão nông” ngồi lặng lẽ ở góc nhà. Đó chính là thi sĩ Phạm Thiên Thư.

Đời sống của Phạm Thiên Thư đã thay đổi theo hoàn cảnh của xã hội. Nhưng có cái tuyệt là dù cuộc sống biến đổi, nhưng Thư vẫn sống cuộc đời thơ. Sau 1975, Phạm Thiên Thư không còn làm thơ tình lãng mạn, siêu thoát, nhưng đã dùng tài để khai phá con đường chưa ai đặt chân đến là thi hóa những bộ kinh Phật, làm tự điển cười gọi là tiếu liệu pháp, với 24 ngàn câu thơ tứ tuyệt và nhiều tác phẩm khác. Và tới nay những tác phẩm của Thư đã đạt tới 126.000 câu thơ. Sau Thư khó có người làm thơ đạt tới số lượng đó.

Có một điều lạ tôi không thể hiểu là Phạm Thiên Thư theo mẹ di cư vào Nam, đi học và trưởng thành ở Sài Gòn, nhưng ông có khuynh hướng thiên Cộng. Điều này tôi đã ngờ ngợ trong lần gặp ông năm 1973, khi ông nói về chính nghĩa dân tộc trong cuộc chiến với hàm ý là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam có chính nghĩa dân tộc. Đến năm 1981, gặp ông ở quán cà phê đường Yên Đổ, ông cho biết đang viết Trường Ca Việt Nam để ca ngợi cuộc chiến thắng của đảng Cộng Sản. Cũng trong thời gian ấy tôi nghe vài người bạn văn nói là Thư làm thơ ca tụng Hồ Chí Minh. Ông Hà Thi (nguoivietnam.net) cho biết sau 30/4/75, Phạm Thiên Thư thực hiện cuốn Kinh Hồng, ca ngợi chế độ mới. Có thể Kinh Hồng là Trường Ca Việt Nam mà Thư đã nói với tôi. Nhưng có lẽ đảng Cộng Sản không cho Phạm Thiên Thư nhập vào dòng chính, nên thơ và Kinh Hồng không hiện lên được.

Như thế trường hợp Phạm Thiên Thư giống học giả Nguyễn Hiến Lê. Tôi nhắc đến học giả họ Lê, vì ông là người nghiên cứu thiên kinh vạn quyển, viết sách nhận định những vấn đề cổ kim, đông tây, thông suốt chế độ cộng sản Nga, Tàu, Đông Âu và đã sống với tất cả những biến cố chính trị Việt Nam từ Pháp thuộc tới Cộng Sản, tới chế độ Cộng Hòa miền Nam, nhưng từ 1945 tới 1975 ông vẫn tin vào bộ mặt dân tộc của đảng Cộng Sản, tin vào sự cao đẹp của đảng viên cộng sản và của chủ nghĩa xã hội Mac-xit. Từ những niềm tin này ông đã viết:

“Đọc trước sau khoảng hai chục cuốn viết về Cộng Sản Nga, Trung Hoa, Đông Âu, tôi tuy ghét, tởm Staline, Mao Trạch Đông… nhưng vẫn tin rằng chế độ cộng sản công bằng hơn chế độ tư bản, nhất là cộng sản Bắc Việt dưới sự lãnh đạo thời kháng chiến của Hồ chủ tịch mà tám, chín phần mười người Việt kính mến, khắp thế giới phục thì không thể nào tàn nhẫn như Nga, Trung Hoa được, đảng có lỗi lầm thì sửa đổi ngay…. Ông lên án chế độ miền Nam là tham nhũng, ăn cắp, ăn cướp, phè phỡn, bóc lột, con người không có tư cách… Tôi vẫn thường nói với nhà tôi: Cộng Sản vào đây thì chỉ nội 48 giờ là hết cái tệ đó! (Nguyễn Hiến Lê – Hồi ký, tập 3 – Văn Nghệ California – 1988, trg 20).

Chính vì những niềm tin đối với đảng Cộng Sản như thế, nên tuy sống thoải mái trong chế độ dân chủ tự do ở miền Nam để làm văn hóa, nhưng ông vẫn duy trì thái độ bất hợp tác với chính quyền Cộng Hòa như không nhận giải thưởng văn chương toàn quốc với cuốn Đại Cương Triết Học Trung Quốc của ông và ông Giản Chi. Chắc ông nhìn chính quyền quốc gia theo luận điệu tuyên truyền của Cộng Sản. May mắn là sau 1975, ông còn sống được 6 năm để nhìn ra bản chất của bộ mặt thật của đảng Cộng Sản và đảng viên Cộng Sản, như ông đã tổng kết trong bộ Hồi Ký tập 3 của ông:

– Về chế độ thì thất bại trong tất cả các mặt hành chánh, kinh tế, văn hóa, giáo dục và xã hội.

– Về đảng viên thì ăn cắp, hối lộ, chài bẫy nhau, cấu kết tham nhũng, thi nhau thủ lợi và thiếu nhân cách.

– Về xã hội thì bất công, tàn nhẫn, sa đọa về tinh thần và mất nhân phẩm.

Chỉ trong mấy năm được sống với chế độ cộng Sản, niềm tin mang nặng trong 30 năm của ông tan tành và học giả họ Lê phải cay đắng kết luận: “Từ đó người miền Nam chẳng những có tâm trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là ngụy nữa, vì ngụy có tư cách hơn kháng chiến. Và người ta đâm ra thất vọng khi thấy chân diện mục của một số anh em cách mạng đó, thấy vài nét của xã hội miền Bắc: Bạn bè, hàng xóm tố cáo lẫn nhau, con cái không dám nhận cha mẹ, học trò cấp hai đêm tới đón đường cô giáo để bóp vú… thì ra nhìn xa ngỡ tượng tô vàng” (Nguyễn Hiến Lê – sdd- trg 92)

Chỉ sống với Cộng Sản 6 năm, học giả Nguyễn Hiến Lê tỉnh mộng. Còn Phạm Thiên Thư thì sống dài dài lăn lóc với xã hội chủ nghĩa, nhưng ông vẫn làm Kinh Hồng, biến những áp chế, tàn bạo, bất nhân của chế độ cộng sản thành kinh để tụng niệm như kinh Phật thì thật đáng sợ.

Có cái may là đảng Cộng Sản không nhận Kinh Hồng, nên ông phải làm tiếp việc thi hóa kinh Phật, làm tự điển cười… Nhà thơ Phạm Thiên Thư có mâu thuẫn nội tâm giữa nghĩ và làm, giữa mộng và thực. Có phải do mâu thuẫn này mà ông đã khóc khi tôi đọc 2 câu thơ trong Đoạn Trường Vô Thanh:

Chí người như cánh chim cao

L thay lòng li giam vào hu thanh.

Vit Dương 
@diendantheky